Vượt lên chính mình

12/08/2024 15:18 Số lượt xem: 35

Chỉ với một chân và cây nạng, nhưng hơn 30 năm qua thương binh hạng 2/4 Hà Quý Phiến, sinh năm 1943, khu Đông Khê (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành) vẫn đi khắp nơi trong Nam ngoài Bắc. Thời trẻ thì tất tả ngược xuôi vì cuộc sống đời thường, đến già thì hăng say tập luyện, thi đấu ở khắp các giải bóng bàn trong cũng như ngoài nước dành cho người khuyết tật. Giờ đây tuy đã ở tuổi ngoài 80, song ông luôn học tập tinh thần “Tự tôi ngày nào cũng tập” của Bác Hồ. Bảng “vàng” thành tích mà ông giành được là minh chứng chân thực, rõ nét nhất để khắc hoạ hình ảnh người “thương binh tàn, nhưng không phế”.

Một thời để nhớ

Đầu tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm thương binh Hà Quý Phiến. Biết chúng tôi không phải người địa phương, nên ông dặn: “Các chú cứ ở ngoài cổng làng, tôi sẽ ra tận nơi đón”. Ban đầu cũng hơi ái ngại vì biết ông là thương binh (cụt một chân), lại lớn tuổi, nhưng ông gạt ngay bên đầu dây điện thoại: “Các chú yên tâm, hàng ngày tôi vẫn đều đặn đạp xe cả chục km đi chơi bóng, ra ngay đầu ngõ có là gì. Hơn nữa đường vào nhà tôi cũng khó đi…”. Đúng hẹn, ông đón chúng tôi ở đầu khu phố bằng tiếng lạch cạnh phát ra từ một chân đạp xe. Làn da dám nắng gió sương, thân hình mảnh khảnh, khuôn mặt tươi vui, để lại nhiều thiện cảm khi được tiếp xúc với ông.
Bước vào ngôi nhà ngói ba gian, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy là tủ đựng huy chương, giấy khen các loại được ông đặt trang trọng ở một góc nhà. Vừa rót nước, ông vừa tự hào khoe: “Tôi làm cái tủ này cũng chỉ để treo huy chương và cất giữ đồ kỷ niệm cá nhân. Nhiều bạn đến chơi, thấy huy chương treo nhiều xin một, hai cái về làm kỷ niệm. Ai xin tôi cũng cho nên giờ cũng chỉ còn hơn chục chiếc”.

Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, trong thời gian chiến đấu ở Đại đội 75 bảo vệ Binh trạm Bắc Tây Nguyên từ năm 1965 đến 1971, ông Phiến từng 15 lần bị thương. Trong đó, nặng nhất là lần bị thương vào tháng 11-1971, khi đó ông cùng 2 đồng đội phải chiến đấu với cả 1 đại đội pháo của địch bất ngờ tập kích. Khi đẩy lùi và đang truy kích địch, thì ông bị một mảnh pháo địch văng phá nát gần như toàn bộ chân trái. Chỉ có một mình, ông Phiến phải kê chân lên 1 thân cây, dùng dao găm cắt đi phần thịt nát, rồi tự băng bó. Sau đó đồng đội kịp thời đến đưa ông đi cấp cứu. Đến giờ trong cơ thể của ông vẫn còn 8 mảnh đạn.

 

Ông Phiến tự hào về những thành tích trong thi đấu bóng bàn.


Xuất ngũ năm 1975 với hạng thương tật 2/4 cùng thể lực suy kiệt nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Phiến đã không nản chí, luôn nỗ lực phấn đấu và trở thành điểm tựa cho gia đình 5 người con. Ông quyết chí lấy xe đạp tập đi. Khi thuần thục tự ông lắp chân giả rồi xuôi ngược lên Lạng Sơn buôn khoai sắn. Có lúc lại hăm hở đạp xe chở đồ hàng mã xuống tận Hà Lầm (Quảng Ninh) bán, rồi khi về lại gom nhặt từng mẻ cá, mớ tôm khô về giao cho các hộ bán kiếm lời. Những lúc rảnh, hễ đi qua nhà nào mà thấy có gốc cây bỏ không, ông lại xin đào mang về phơi khô đem ra chợ bán củi hoặc đổi cho hàng xóm lấy gạch đem về tích trữ…
Ông Phiến chia sẻ: Không làm thì lấy gì nuôi con, dù đau cũng phải ngạt nó đi mà sống mà lao động chứ. Nhưng cũng phải nói thật là sức khoẻ của tôi có dẻo dai, khoẻ mạnh được như vậy không phải chỉ do ý chí đâu, nếu bản thân không thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao thì không thể có được. Cho đến giờ, dù đã hơn 80 tuổi, nhưng tập luyện bóng bàn vẫn là thói quen hàng ngày không thể bỏ của tôi. Ngoài là thành viên chính thức của CLB bóng bàn Chợ (Đông Khê, Song Hồ), tôi còn là thành viên tích cực của 11 CLB bóng bàn khác trên địa bàn thị xã Thuận Thành.
Ông Biện Văn San, CLB bóng bàn khu phố Công Hà (phường Hà Mãn) cho hay: Dù cách gần 10km, song hầu như tuần nào ông Phiến cũng tự đạp xe đến giao lưu với các thành viên trong CLB chúng tôi. Ai cũng khâm phục nghị lực và niềm đam mê mãnh liệt, bền bỉ ông dành cho thể thao.

Tấm huy chương đẫm mồ hôi

Đầu những năm 1990, khi phong trào tập luyện bóng bàn xuất hiện ở quê,  ông là một trong những người đầu tiên tham gia. Mặc dù kinh tế khi đó vẫn còn khó khăn, song ông đã mạnh dạn bỏ tiền mua 1 bàn bóng, rồi các trang thiết bị cần thiết, đặt ngay tại nhà để tiện cho việc tập luyện. Tuy nhiên, do chưa từng cầm vợt, chân lại chỉ còn một nên thời gian đầu tập luyện cũng vô cùng khó khăn. Mất đến mấy tháng đầu, chiều nào cũng miệt mài tập cùng các bạn già hàng xóm mà ông vẫn chẳng thể di chuyển theo kịp bóng. Dẫu vậy, ông vẫn không nản, bỏ ra 1 năm tròn để tập đi luyện lại, đến năm thứ 2 ông có thể chơi như người bình thường. Dù di chuyển chỉ bằng một chân, nhưng ông vẫn làm chủ từng bước đi và đưa ra những đường đánh, đỡ bóng khá thuần thục. Giờ đây, những động tác ve, vuốt, đập bóng của ông khi khéo léo, mềm mại, khi mạnh mẽ, khoan thai khiến đối thủ bên kia bàn khó khăn chống đỡ…
Sau một thời gian rèn rũa thuần thục các động tác cũng như kỹ chiến thuật của môn bóng bàn, đến năm 2003, ông mạnh dạn đăng ký thi đấu tại giải bóng bàn dành cho người khuyết tật tỉnh Bắc Ninh. Ngay trong lần đầu tham dự, ông đã xuất sắc giành HCB ở nội dung đơn nam. Đây là dấu ấn và cũng là cú hích lớn giúp ông thêm tự tin cầm vợt thi đấu ở các giải đấu khác. Bước ngoặt đến với sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của ông vào năm 2007, thời điểm đó ngành Thể thao Bắc Ninh không có đội tuyển bóng bàn người khuyết tật. Khi hay tin giải sắp tổ chức tại Huế, nhưng yêu cầu bắt buộc là VĐV phải được địa phương, đơn vị đứng ra đăng ký mới được thi đấu. Đứng trước nguy cơ không được dự giải, ông lặn lội đạp xe lên tận Hà Nội đề nghị Tổng thư ký Hiệp hội thể thao Người khuyết tật để được tham dự với tư cách là VĐV tự do và được chấp thuận.

Trở về nhà trong niềm vui khôn tả, ông miệt mài, hăng say ngày đêm tập luyện cùng các thành viên CLB bóng bàn trong thôn, có khi lại lặn lội sang giao lưu với các CLB khác quanh vùng để tích luỹ thêm kinh nghiệm. Đến ngày cận kề vào Huế thi đấu, ông lại gặp khó khăn khi không thể lo kinh phí đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ trong thời gian diễn ra giải đấu. Hiểu được nỗi lo lắng, buồn phiền của chồng, bà Trần Thị Đông vợ ông lại tất tả ngược xuôi chạy vạy lo 3 triệu đồng làm kinh phí, rồi theo luôn ông và Huế để tiện bề chăm sóc, cổ vũ cho chồng. Cảm thông cho hoàn cảnh của vợ chồng ông, chủ khách sạn cho thuê chỉ với giá 350.000 đồng cho 11 ngày lưu trú. Được sự quan tâm, động viên của mọi người, ông có thêm động lực xuất sắc vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để giành HCV hạng thương tật T46. Không chỉ giành được huy chương ở môn bóng bàn, trong năm 2007, ông Phiến còn thể hiện được tài năng văn nghệ khi giành được HCB với tiết mục đơn ca “Tiếng đàn Ta Lư” (nhạc và lời Huy Thục) tại Hội thi văn nghệ- thể thao người khuyết tật toàn quốc, tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Biết được tài năng thể thao của ông, nhiều đơn vị, địa phương đã gửi lời mời về đầu quân. Sau một năm thi đấu cho Hải Dương, đến năm 2010 ông về thi đấu cho đội tuyển bóng bàn người khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, năm nào thi đấu ông cũng đem về huy chương cho đơn vị mình đầu quân. Những năm sau đó, ông vinh dự được đại diện cho tỉnh, rồi đội tuyển VĐV khuyết tật Quốc gia thi đấu ở các giải đấu trong cũng như ngoài nước. Trong những lần đi thi đấu xa nhà, ông đều có sự đồng hành của bà giáo đã nghỉ hưu Trần Thị Đông- vợ ông. Vừa tiện bề chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, vừa là khán giả cổ vũ ông những lúc thi đấu.
Hơn 30 năm gắn bó với bộ môn bóng bàn, đến nay ông đã giành được tổng cộng 34 huy chương các loại. Trong đó ấn tượng nhất là 2 tấm HCV (nội dung đôi nam và đồng đội) tại Đại hội Thể thao người khuyết tật ParaLimpic năm 2008. Với kết quả xuất sắc này, ngoài những tấm huy chương, kèm tiền thưởng, ông còn được Ban tổ chức trao tặng một chiếc xe lăn.
Theo đồng chí Nguyễn Đăng Quốc, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Đông Khê (phường Song Hồ) thì tấm gương vượt lên chính mình của cựu chiến binh, thương binh Hà Quý Phiến thật đáng để người dân học tập. Dù vết thương hành hạ mỗi khi trái nắng, trở trời, song với nghị lực, hàng ngày ông vẫn đều đặn ra sân tập luyện cùng các thành viên trong CLB bóng bàn của khu phố. Ông cũng là người đi đầu trong việc vận động bà con ủng hộ kinh phí cho các CLB bóng đá, cầu lông… và các hoạt động của địa phương.

Nghị lực, ý chí vượt khó, cộng với niềm đam mê thể thao đã giúp ông vượt qua khó khăn để vươn lên ổn định cuộc sống, đặc biệt là giành những tấm huy chương tại các giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật trong nước cũng như quốc tế. Ông là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt lên chính mình trong cuộc sống cũng như thi đấu thể thao.

 

Nguồn: BBN