Thuận Thành chủ động phòng trừ sâu bệnh cuối vụ
Vụ mùa năm nay, bệnh sâu cuốn lá nhỏ đang có những diễn biến khá phức tạp, gây bệnh trên diện rộng với mật độ cao. Trước tình hình đó, để chủ động phòng chống sâu bệnh hại lúa, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ. Thời điểm này, ngành nông nghiệp thị xã đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân, chỉ đạo tăng cường kiểm tra đồng ruộng. Đồng thời thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, đảm bảo cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Vụ mùa năm nay, bà con nông dân xã Ngũ Thái canh tác hơn 269 ha diện tích lúa, chủ yếu là giống: khang dân, bắc thơm 7, nếp 9603. Do kinh nghiệm từ những vụ sản xuất trước thường xuyên thăm đồng. cán bộ phụ trách nông nghiệp và lãnh đạo địa phương thường xuyên thăm đồng đã phát hiện trên diện tích lúa tại địa bàn xã xuất hiện nhiều chuột, đồng thời có một số bệnh trên lúa như: Đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá. Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp thị xã, chính quyền địa phương đã chủ động khuyến cáo bà con nông dân rào ruộng chống chuột phá hoại mùa màng. Đồng thời thường xuyên kiểm tra dấu hiệu bệnh trên lúa, đặc biệt là sâu cuốn lá, nhằm kịp thời có những biện pháp phòng chống sâu bệnh.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt năm nay độ ẩm ở giai đoạn muộn nên tạo điều kiện cho một số sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa. UBND thị xã đã ra công văn chỉ đạo phòng trừ sinh vật hại lúa mùa năm 2023. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã ra thông báo về phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, rầy lưng trắng lứa 5 gây hại lúa mùa. Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng ruộng cuối tháng 8 cho thấy mật độ trứng và sâu non sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 vẫn đang ở mật độ rất cao trên tất cả các trà lúa mùa năm 2023. Mật độ phổ biến từ 30-50 quả/m2, cao từ 100-150 quả/m2, cục bộ cao trên 300 quả/m2; Mật độ sâu non phổ biến 15-20 con/m2, cao 150-200 con/m2, cục bộ trên 500 con/m2, sâu non chủ yếu ở tuổi 1 và 2. Nếu không tiếp tục phun trừ lần 2, sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa. Hiện nay, toàn bộ lúa mùa ở trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, xác định đây là một giai đoạn quan trọng, quyết định đến năng suất cuối vụ. Để bảo toàn hơn 4.200 ha lúa mùa, ngành nông nghiệp thị xã đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung theo dõi, giám sát, dự báo chính sát về thời gian phát sinh và quy mô gây hại của sâu cuốn lá nhỏ. Theo đó hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời, trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng để kiểm soát tình hình sâu cuốn lá nhỏ. Phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa mùa đạt hiệu quả, nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Dự báo trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp tạo điều kiện cho sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 và một số sâu bệnh hại phát sinh gây hại trên diện rộng ứng với giai đoạn lúa đẻ nhánh đến độ. Đặc biệt là bệnh sâu cuốn lá trên các giống dễ nhiễm, những chân ruộng gieo cấy dày nên giữ nước thường xuyên trong ruộng từ 3-5 cm; Phun kịp thời những ruộng có tỷ lệ bệnh từ 3-5% số lá trở lên. Với những diện tích lúa có tỷ lệ bệnh từ 10% số lá trở lên thì cần phun nhắc lại cách nhau từ 5-7 ngày. Cần thực hiện đúng nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc phòng trừ sâu hại, nếu sau phun 4 tiếng gặp mưa thì phải phun lại “Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng liều và đúng kỹ thuật”.
Lúa mùa đang bước vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển nhanh nên dễ nhiễm các loại sâu bệnh hại. Để hạn chế sự phát sinh và lây lan gây hại của sâu bệnh đối với lúa mùa, khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng trừ đúng thời điểm và có hiệu quả. Thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối, điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao.