Thị xã Thuận Thành có 7 nghề truyền thống và 3 nghệ nhân được UBND tỉnh trao Bằng công nhận danh hiệu
Ngày 22-5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và trao Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống, nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh chủ trì.
Năm 2024, toàn tỉnh có 11 sản phẩm của 5 chủ thể thuộc 2/6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; trong đó 7 sản phẩm tham gia lần đầu, 4 sản phẩm đề nghị công nhận lại. Kết quả kiểm tra của Tổ Tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cả 11 sản phẩm đều có hồ sơ hợp lệ, tuân thủ đầy đủ quy định về chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy đủ điều kiện cơ sở sản xuất với sản phẩm kinh doanh có điều kiện, hồ sơ công bố sản phẩm, ghi nhãn hàng hoá đúng quy định. Kết quả, 11/11 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp loại đạt 04 sao.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh công bố, trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống” tỉnh Bắc Ninh cho 07 nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Thuận Thành, gồm: Nghề làm đậu Nghi Khúc (phường An Bình), nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (phường Song Hồ), nghề làm nem Bùi Xá (phường Ninh Xá), nghề làm tương Đình Tổ (xã Đình Tổ), nghề đồ gỗ mỹ nghệ thôn Bình Cầu (xã Hoài Thượng), nghề đúc đồng thôn Đào Viên (xã Nguyệt Đức), nghề làm đậu khu phố Trà Lâm (phường Trí Quả).
Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân” cho 07 cá nhân. Thị xã Thuận Thành vinh dự có 3 nghệ nhân được phong tặng, là: Nghệ nhân gốm Nguyễn Đăng Nghĩa (phường Hà Mãn), Nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Hữu Hoa và Nguyễn Hữu Đạo (phường Song Hồ).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn chúc mừng các làng nghề, nghệ nhân, chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận, vinh danh. Khẳng định cùng với sự phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ tỉnh luôn chú trọng, quan tâm việc bảo tồn, phát huy ngành nghề truyền thống, phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương; đây là lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức vinh danh các làng nghề, nghệ nhân, đề nghị sau khi được cấp bằng công nhận các làng nghề, nghệ nhân tiếp tục duy trì tốt bản sắc, tinh hoa, sự sáng tạo, kinh nghiệm đưa các làng nghề, ngành nghề phát triển hơn nữa; từng bước thành lập các Câu lạc bộ, HTX nghề để có sự liên kết hơn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh vừa được Hội đồng chấm điểm đề nghị công nhận chất lượng 4 sao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh gợi ý các cơ quan chuyên môn, các chủ thể sản phẩm tiếp tục tư duy để nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường thông qua xây dựng mã QR CODE cho sản phẩm, trình bày giới thiệu bằng các ngoại ngữ khác nhau trên bao bì…Yêu cầu các chủ thể tăng cường liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.