Thành công từ mô hình nuôi gà đẻ trứng Ai Cập

16/10/2024 17:05 Số lượt xem: 188

Là người phụ nữ chịu thương chịu khó, chị Nguyễn Thị Luyện - khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành đã mạnh dạn chuyển đổi vùng đất cấy lúa kém hiệu quả của địa phương để xây dựng mô hình nuôi gà đẻ trứng Ai Cập. Do áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sau nhiều năm mô hình đã phát triển tốt, đem lại cho gia đình chị Luyện nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

 

A large group of white chickensDescription automatically generated

(Mô hình nuôi gà đẻ trứng Ai Cập 5.000 con của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Luyện)

Trước đây, thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Luyện ở khu phố Công Hà, phường Hà Mãn chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Với suy nghĩ là cần phải chuyển đổi mô hình sản xuất để tăng thêm thu nhập, năm 1994 chị Nguyễn Thị Luyện đã bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi gà đẻ trứng Ai Cập với quy mô 500 con tại gia đình. Chị Luyện cho biết, đây là giống gà có năng suất đẻ trứng cao, sức đề kháng tốt và ít mắc dịch bệnh. Trứng gà Ai Cập có tỷ lệ cũng như chất lượng lòng đỏ nhiều, dinh dưỡng cao, dễ bán trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhận thấy nuôi gà đẻ trứng Ai Cập có thể mang lại hiệu quả kinh tế, cộng với những tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm nuôi gà, năm 2004 chị Luyện và gia đình quyết định mở rộng mô hình nuôi gà đẻ trứng, chị Luyện đã dồn ô đổi thửa 4 sào ruộng của nhà mình cộng với thuê thêm 2 sào của hộ dân liền kề để xây dựng mô hình. Với tổng diện tích trên 2.000 m2 chị Luyện đã xây dựng 4 dãy chuồng trại, với mỗi dãy là 400 m2 được thiết kế hệ thống làm mát khép kín, có máng cung cấp nước tự động, vào mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì thoáng mát, từ đó giúp cho chăn nuôi gà đẻ trứng đạt hiệu quả cao.

Hiện nay quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng Ai Cập của gia đình chị Luyện đã lên tới 5.000 con, trong đó luôn có 3.000 gà đẻ trứng và 2.000 gà hậu bị để gối đàn. Nhờ áp dụng tốt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kết hợp với sử dụng vắc xin theo từng giai đoạn phát triển của đàn gà, đặc biệt là vắc xin cúm gia cầm, đàn gà của chị Luyện phát triển khoẻ mạnh, cho tỷ lệ đẻ trứng cao. Chị Luyện chia sẻ, gà trong khoảng thời gian nuôi hậu bị, từ khi bóc trứng đến 16 tuần tuổi, gà được tiêm 20 lần vắc-xin để phòng dịch bệnh. Khi gà bắt đầu giai đoạn đẻ trứng, chị Luyện ngưng hoàn toàn việc sử dụng vắc-xin, thay vào đó chị bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng. Từ tuần thứ 18, đàn gà bắt đầu đẻ trứng và đạt tỷ lệ đẻ trứng trên 90% từ tuần thứ 25, sau nhiều năm nuôi gà đẻ trứng, đàn gà của chị Luyện luôn phát triển tốt và chưa từng xảy ra dịch bệnh phải tiêu huỷ.

Chị Luyện cho biết, bình quân mỗi ngày hiện nay đàn gà cho thu khoảng gần 3.000 quả trứng, với giá bán buôn 2.200-2.500 đồng/quả, sau khi trừ đi chi phí, hàng tháng gia đình chị thu lãi khoảng 25 triệu đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 thành viên trong gia đình. Ngoài nguồn thu từ trứng gà, sau một năm gà đẻ, người chăn nuôi có thể bán làm gà thịt. Chị Luyện cho biết, nếu được chăm sóc, quản lý tốt, tính từ lúc gà đẻ bói đến khoảng 12 - 15 tháng sẽ loại thải để thay nuôi lứa mới. Số gà loại thải được bán cho các cơ sở kinh doanh với giá 55.000 - 60.000 đồng/kg. Chị Luyện cho biết thêm, trong năm còn có thêm nguồn thu từ bán phân gà cho các nhà vườn được hơn 40 triệu/năm.

A group of people standing outside a building

Description automatically generated

(Chị Nguyễn Thị Luyện (người ngoài cùng bên phải) chia sẻ về mô hình nuôi gà đẻ trứng Ai Cập)

Bên cạnh những hiệu quả từ mô hình nuôi gà đẻ trứng Ai Cập, chị Luyện cũng chia sẻ về những khó khăn đã gặp phải trong chăn nuôi như: có thời điểm giá trứng rẻ, giá thức ăn chăn nuôi tăng, cộng thêm với ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, khí hậu, thiên tai dịch bệnh tác động tiêu cực đến người chăn nuôi, chị Luyện nói: như trong cơn bão số 3 vừa qua, chuồng trại chăn nuôi của gia đình bị tốc mái 2 dãy, bão gây mưa to nước ngập toàn bộ khu chuồng làm ướt mốc cám, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đàn gà, từ đó làm giảm năng suất sản lượng trứng. Sau cơn bão số 3, kinh phí sửa chữa làm lại mái chuồng trại, cộng thêm với những thiệt hại khác lên đến trên 200 triệu đồng. Chị Luyện cho biết, thời gian tới, gia đình chị sẽ tiếp tục duy trì quy mô đàn gà đẻ trứng 5.000 con, đồng thời áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trong chăn nuôi để không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng trứng phục vụ người dân và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhận xét về mô hình của chị Nguyễn Thị Luyện - khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, ông Tạ Thiên Lập - cán bộ nông nghiệp phường Hà Mãn cho biết, chị Nguyễn Thị Luyện là hộ đầu tiên của Phường phát triển thành công mô hình nuôi gà đẻ trứng Ai Cập với quy mô 5.000 con, mô hình đã áp dụng hiệu quả chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đã ứng dụng đồng bộ từ giống, thức ăn, các giải pháp về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi... là những yếu tố để giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đồng thời hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chị Luyện là người chịu thương chịu khó có tư duy nhạy bén trong việc tìm ra hướng đi mới về phát triển kinh tế gia đình, chị cũng là người luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm với mọi người để cùng nhau phát triển. Mô hình nuôi gà đẻ trứng Ai Cập của gia đình chị Nguyễn Thị Luyện - khu phố Công Hà, phường Hà Mãn đã phát huy tốt hiệu quả từ chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi, mô hình vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho người sản xuất./.

 

Thu Huyền - Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành