Tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng lúa mùa
Hiện nay, các trà lúa mùa trên địa bàn thị xã Thuận Thành đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến có khoảng 55-60% diện tích lúa trỗ trước ngày 07/9/2024. Để đảm bảo năng suất, sản lượng cuối vụ, Trung tâm DVNN thị xã đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sinh trưởng của lúa mùa cũng như các loại sâu, bệnh gây hại lúa để triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
(Cán bộ Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành điều tra đánh giá sâu bệnh trên đồng ruộng)
Tại thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái trao đổi với bà Nguyễn Thị Huyên được biết: Vụ mùa năm nay, gia đình bà gieo cấy 1,7 mẫu lúa, trong đó có 1 mẫu là Bắc thơm số 7; 5 sào là khang dân và 2 sào là Nếp A sào. Theo kết quả thăm đồng điều tra và thông báo của Trung tâm DVNN thị xã, gia đình bà Huyên đã phun thuốc phòng trừ sâu đục thân hai chấm lứa 4. Trước đó, toàn bộ diện tích lúa được bà Huyên phun thuốc, phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5. Được biết vụ mùa năm nay, xã Ngũ Thái gieo cấy 260 ha lúa mùa, trong đó 60% diện tích lúa năng suất chất lượng cao, tập trung vào các giống TBR225, Bắc Thơm 7,… do gieo cấy trong khung thời vụ và được phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo thông báo của Trung tâm DVNN thị xã: Sâu đục thân hai chấm lứa 4 phát sinh sớm, trưởng thành vũ hóa rộ và đẻ trứng, mật độ phổ biến 0,02-0,03 con/m2 cao 0,1-0,3 con/m2; mật độ trứng 0,03-0,04 ổ/m2, cao 0,15-0,2 ổ/m2 tại một số điểm như: thôn Á Lữ - xã Đại Đồng Thành; thôn Liễu Khê, thôn Ngọc Tỉnh - xã Song Liễu; thôn Liễu Ngạn - xã Ngũ Thái,…). Trưởng thành sâu đục thân hai chấm lứa 4 tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng đến cuối tháng 8, sâu non nở tập trung từ cuối tháng 8 đến 3/9 gây đòng héo trên lúa giai đoạn làm đòng và bông bạc cho những diện tích trỗ trước ngày 7/9.
Ngoài ra, Thời tiết tiếp tục có diễn biến nắng nóng, mưa rào và dông, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm sọc vi khuẩn gia tăng nhanh với tỷ lệ bệnh trung bình 1-3%, cao 8-10%; cục bộ >20% trên các giống TBR225, BC15, BT số 7, KD18, Tân Ưu 98,... và các ruộng xanh tốt do bón nhiều đạm, bón không cân đối, điển hình như: thôn Đại Trạch - xã Đình Tổ; khu phố Văn Quan - phường Trí Quả; khu phố Ngọc Khám - phường Gia Đông; thôn Đồng Đông, Đồng Đoài - xã Đại Đồng Thành;…rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục tích luỹ gia tăng mật độ.
Trước diễn biến sâu bệnh, theo hướng dẫn của Trung tâm DVNN thị xã, nhiều hộ nông dân đã chủ động xuống đồng phun thuốc phòng trừ, không để dịch bệnh phát sinh, gây hại. Bà Trương Thị An - Giám đốc Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành cho biết, mức độ sâu bệnh hại cây trồng từ đầu vụ mùa đến nay thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, đối với sâu đục thân hai chấm lứa 4 có diễn biến phức tạp, kéo dài và mật độ cao hơn cùng kỳ nhiều năm, nếu không tổ chức phòng trừ tốt sẽ có tỷ lệ dảnh héo, bông bạc cao ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ mùa, Trung tâm đã có thông báo đến các địa phương để tuyên truyền người dân triển khai phun tập trung từ ngày 22/8-30/8/2024, khi có mật độ ổ trứng từ 0,15 ổ/m2 trở lên ở giai đoạn lúa làm đòng và trỗ bông; cần phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày cho những diện tích có mật độ ổ trứng trên 0,5 ổ/m2 và những diện tích lúa trỗ trước ngày 07/9/2024 phun khi lúa thấp thoi. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Prevathon 5SC (bờ re va thon); VirtakoÒ40WG (vi ta cô); Chlorferan 240SC (Chờ lo phe ran); Voliam targo® 063SC (vô li am ta gô); Đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn, khi bệnh xuất hiện, dừng ngay bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá, luôn giữ đủ nước trong ruộng; sau mưa dông hoặc lúc mới chớm bị bệnh dùng từ 2-3 kg vôi bột/sào để rắc khi lá còn ướt nhằm sát khuẩn vết thương. Phòng trừ khi tỷ lệ bệnh từ 3-5% số lá, với những diện tích bị bệnh >10% số lá cần phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 3-5 ngày, sử dụng một trong các loại thuốc sau: Ychatot 900SP (y cha tốt); Totan 200WP (tô tan); Xatocin 40WP (Xan tô xin);…. một trong các loại thuốc trên hòa với 16-20 lít nước phun cho 1 sào. Nông dân khi phun thuốc cần lưu ý: liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất được ghi trên bao bì, đồng thời phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.
Ngoài ra, theo bà Trương Thị An, từ nay đến cuối vụ mùa nông dân cần chú ý: sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 6, lứa 7, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân 2 chấm lứa 4, lứa 5, bệnh khô vằn, bệnh đen lép hạt, bệnh hoa cúc… tiếp tục phát sinh gây hại nếu không được phòng, trừ kịp thời. Trung tâm DVNN thị xã sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương bám sát đồng ruộng điều tra, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, xác định thời điểm sâu bệnh xuất hiện để ra thông báo phòng, trừ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện để lúa mùa sinh trưởng phát triển đạt năng suất, sản lượng cao./.