Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư nơi hội tụ của các thanh thiếu nhi

12/07/2024 09:38 Số lượt xem: 19

Trải qua các thế kỷ tồn tại và phát triển, nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư xã Ngũ Thái vẫn là nét đẹp văn hóa, phản ánh chân thực đời sống nhân văn giản dị của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Múa rối nước Đồng Ngư không chỉ độc đáo với những tích, trò mà còn cuốn hút người xem bằng những làn điệu dân ca quan họ mượt mà đằm thắm, không có múa rối nước nào có được. Qua thời gian, các giá trị đó tiếp tục được người dân gìn giữ và phát triển.

       Cứ vào dịp cuối tuần, các nghệ nhân tại khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu thôn Đồng Ngư xã Ngũ Thái lại tổ chức múa rối nước để phục vụ khán giả. Trong một buổi biểu diễn vừa qua, chào đón trên 40 em học sinh ở Hà Nội đến thăm quan, trải nghiệm và xem các nghệ nhân biểu diễn múa rối nước.

Khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu và phường rối nước Luy Lâu được thành lập vào năm 2009, đến nay phường đã quy tụ hơn 30 thành viên là những người đam mê múa rối nước. Phường múa rối nước này đã chế tác hơn 1.000 con rối để phục vụ hơn 700 ca diễn mỗi năm khắp cả nước. Tâm sự với chúng tôi, ông Dương Văn Giáo – Thôn Đồng Ngư xã Ngũ Thái cho biết: Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư lôi cuốn khán giả còn bởi những câu hát quan họ mượt mà, êm ái, đi vào lòng người. Những liền anh, liền chị bằng tiếng gõ nhịp nhàng trong từng câu hát đi mời trầu khán giả, thể hiện tình cảm, sự hiếu khách của người quan họ. các phường múa rối nước khác thường điều khiển con rối bằng gậy, bằng sào nhưng người Đồng Ngư múa kết hợp giữa sào và dây. Qua đó, con rối có thể đi ra xa buồng trò, biểu diễn được nhiều động tác hơn nên đến gần với khán giả. Do đó, những con rối được chế tác tinh xảo hơn, bộ phận máy phức tạp hơn để di chuyển linh hoạt, mềm mại, thậm chí con rối có thể leo trèo bằng cả tay và chân. Chất liệu chủ yếu những con rối bằng các loại gỗ nhẹ, có thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, sung...

Nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của nghệ thuật văn hóa múa rối nước Đồng Ngư, năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị múa rối nước làng Đồng Ngư xã Ngũ Thái với kinh phí gần 17 tỷ đồng. Sau khi có đề án, Chính quyền địa phương đã xây dựng nhà tờ tổ, nhà trưng bày, khu thủy đình để phục vụ biểu diến múa rối nước và tài trợ kinh phí để phường rối đầu tư sân khấu, hệ thống âm nhạc, con trò. Cùng với đó, phường rối đẩy mạnh hoạt động đào tạo truyền nghề nhằm thu hút các bạn trẻ ở địa phương tham gia. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Lai – Giám đôc khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu cho biết: Trải qua chiến tranh loạn lạc, cuộc sống còn nhiều khó khăn, phường rối nước Đồng Ngư cũng dần bị mai một. Tuy nhiên, sức sống của múa rối nước Đồng Ngư thôi thúc những người yêu rối nước khôi phục lại nghề rối tổ truyền. Phường rối nước Đồng Ngư ra đời bằng sự đóng góp tinh thần và vật chất của người dân địa phương…

Ngành văn hóa thể thao và du lịch đang tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa rối nước Đồng Ngư; Tổ chức biểu diễn và quảng bá rối nước trong tỉnh; Tập huấn đào tạo cho con em địa phương tìm hiểu và thực hành múa rối nước để đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh được thưởng thức các tiết mục múa rối nước Đồng Ngư.

 

Hữu Ánh