Mô hình giống lúa DH12 được nhân rộng ở vụ mùa
Sau khi áp dựng thành công mô hình giống lúa DH12 tập trung theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ở vụ Xuân trên các cánh đồng của một số địa phương trong tỉnh. Vụ mùa năm nay, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích thí điểm trên diện tích 13ha ở cánh đồng của khu phố Phương Quan (phường Trí Quả).
Theo cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh thì viêc đưa giống lúa mới chất lượng cao kết hợp với ứng dụng cơ giới hoá trong khâu gieo cấy giúp bà con nông dân tiết giảm được chi phi, ngày công lao động và tiến tới hình thành cánh đồng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, Trung tâm đang khẩn trương triển khai, nhân rộng hiệu quả của mô hình ra các cánh đồng trong toàn tỉnh.
Vụ mùa này gia đình ông Nguyễn Trọng Đô (thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ) được Trung tâm lựa chọn tham gia Mô hình sản xuất lúa DH12 tập trung theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Trọng Đô cho biết, tận dụng diện tích trồng lúa bị bỏ hoang của thôn Đại Trạch và Phương Quan (Trí Quả) tôi đã đến từng hộ dân vận động họ cho mình nhận thầu để triển khai cấy lúa. Sau một thời gian vận động, đến nay tôi đã tích tụ được diện tích cấy lúa ở cánh đồng phường Văn Quan lên tới 14ha. Tại vụ mùa này, với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, 13ha này đã được Trung tâm lựa chọn triển khai ứng dụng sản xuất lúa DH12 tập trung theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Toàn bộ diện tích gieo cấy ban đầu đều được áp dụng cơ giới hoá bằng máy móc, nên giảm thiêu về chi phí, nhân lực, bảo đảm được tiến độ đề ra.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đây là giống lúa mới, thích hợp với thổ nhưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tiền đề cho việc ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đầu ra, tăng thu nhập cho người dân. Ông Ngô Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh khẳng định: Việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất ở tập trung theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của mô hình giống lúa DH12 không chỉ giúp giải quyết bài toàn chi phí, lao động mà còn giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bởi mỗi ngày, một máy cấy này có thể cấy được từ 4-5ha.
Theo ông Dương Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Thuận Thành thì hàng năm, thị xã Thuận Thành cũng tích tụ được khoảng 500ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 170ha đất trồng lúa. Ngoài chính sách hỗ trợ nông dân theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, thị xã Thuận Thành cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con nông dân kỹ thuật sản xuất, canh tác, phòng trừ sâu bệnh trên lúa, đặc biệt là áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ trong việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất giúp bà con giảm sức lao động, nhưng lại tăng hiệu quả về kinh tế.
Nguồn gốc giống DH12 là giống lúa thuần, thuộc nhóm ngắn ngày, năng suất chất lượng cao. Thời gian sinh trưởng vụ xuân từ 120 -125 ngày. Giống DH12 có các đặc tính nông sinh học tốt như thấp cây, đẻ nhánh khoẻ, sinh trưởng tốt, năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh khá, chất lượng gạo khá, năng suất đạt gần 80 tạ thóc tươi/ha. Kết quả gieo cấy vụ xuân 2024 cho thấy giống DH12 khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Bắc Ninh. Trong vụ mùa này Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh tiếp tục đưa vào gieo cấy thử nghiệm với tổng diện tích gieo cấy là 20 ha, trong đó Thuận Thành 13 ha, Quế Võ 7ha.
Để chăm sóc giống DH12 đạt năng suất, bà Nguyễn Kim Hoàn Yến, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh khuyến cáo bà con cần đặc biệt quan tâm chăm sóc lúa trong giai đoạn lúa làm đòng, bởi trong giai đoạn này lá lúa dễ bị héo, bạc lá. Vì thế bà con cần bón phân, chăm sóc kỹ lúa từ giai đoạn bén dẽ, để nhanh, cũng như thường xuyên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Mô hình giống lúa DH12 tập trung theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nếu tiếp tục thành công ở vụ mùa 2024, sẽ là cơ sở quan trong để Trung tâm Khuyến nông và các địa phương đề nghị Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa vào cơ cấu giống của tỉnh để thực hiện theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất lúa theo hướng hàng hoá, tập trung quy mô lớn, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân.