Mão Điền chú trọng phát triển thương hiệu nghề làm “Bánh cuốn” truyền thống

28/03/2024 15:52 Số lượt xem: 101

Từ lâu, bánh cuốn Mão Điền đã trở thành ẩm thực độc đáo, món quà quê không thể thiếu của người Kinh Bắc. Không ai trong xã nhớ được nghề làm bánh cuốn có từ bao giờ. Họ chỉ biết nghề này có từ rất lâu và món bánh cuốn là món quà quê không thể thiếu của người dân nơi đây. Vì thế, nghề làm bánh cuốn vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Những năm gần đây một số hộ dân trong làng đã đầu tư công nghệ sản xuất bánh theo phương pháp mới vừa ít tốn công sức, thời gian và nguyên liệu hơn, mang lại thu nhập cao, góp phần đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

     Hiện, toàn xã có trên 15 chiếc máy sản xuất bánh công suất lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho hơn 200 kinh doanh. Trong đó, tập trung chủ yếu ở thôn 3 và thôn 5 với 7.  Trung bình một chiếc máy có thể sản xuất từ 3 đến 1 tấn bánh/ mỗi ngày tùy vào nhu cầu tiêu thụ và thời tiết của từng mùa. Với những hộ tiêu thụ bánh, năng suất phụ thuộc vào tài kinh doanh của từng người. Hộ ít nhất bán được 50-70 kg bánh/ngày, hộ bán được nhiều nhất từ 2-3 tạ bánh/ngày, với giá từ 12-15.000đồng/kg.

    Hiện nay, trên địa bàn xã Mão Điền có khoảng 100 hộ sản xuất, kinh doanh bánh cuốn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây nhân dân địa phương đã đầu tư công nghệ sản xuất bánh theo phương pháp mới. Mọi công đoạn sát bột, thái hành đều làm bằng máy. Sản xuất bánh cuốn bằng máy cho năng suất cao gấp 10-20 lần tráng bằng phương pháp thủ công, ít tốn công sức, thời gian và nguyên liệu hơn. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống ngày càng cao hơn của thực khách, người dân Mão Điền làm 2 loại bánh, bánh hành và mộc nhĩ. Bánh được mang đi bán không chỉ trong tỉnh mà đã có mặt ở khắp các tỉnh trong cả nước. Nhiều quán ăn, nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương biết tiếng đã đặt bánh cuốn Mão Điền. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh ở làng nghề đã coi việc nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm là vấn đề sống còn.

   Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với ngành chức năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh cuốn Mão Điền, đưa sản phẩm bánh cuốn Mão Điền tham gia chương trình Ocop “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Cùng với đó, chính quyền địa phương luôn có những chính sách khuyến khích phát triển nghề, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó tạo điều kiện để sản phẩm bánh cuốn Mão Điền mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, nhiều hộ dân làm bánh trong xã chưa tiếp cận cũng như hiểu rõ về chương trình Ocop nên còn ngại ngùng không tham gia. Chính vì vậy, chính quyền xã cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm và tham gia, đảm bảo quyền lợi./.

 

Hữu Ánh