Hoài Thượng phát huy có hiệu quả các nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế
Xã Hoài Thượng hôm nay khang trang bởi những ngôi nhà tầng đã, đang xây cao và con đường bê tông chạy dài. Con người nơi đây hay lam hay làm, họ kiếm sống bằng nhiều nghề: Đan mây tre, mộc, buôn bán… Vài năm trở lại đây, việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống được xã Hoài Thượng đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Xã Hoài Thượng là địa phương có truyền thống sản xuất đồ gỗ từ hàng trăm năm nay, ngoài sản xuất những đồ dùng thông dụng trong đời sống hàng ngày như: Giường, tủ, cầu thang. Người thợ làng nghề ở đây còn khéo léo sảng tạo ra những sản phẩm mang tính mỹ thuật cao như: Đồ trang trí nội thất, đồ thờ, hoành phi câu đối. Các sản phẩm đa dạng với nhiều kiểu dáng, kích thước được xuất khẩu ra thị trường và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, cũng như thẩm mỹ. Việc phát triển làng nghề, giải quyết cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 7-10 triệu đồng/tháng. Nhờ có nghề truyền thống nên đời sống của người dân nơi đây đang được nâng lên rõ rệt. Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Luyến – Công ty TNHH dịch vụ Phúc Sinh Đường cho biết: Gia đình tôi đã theo làm nghề gỗ mỹ nghệ từ nhiều năm nay. Tất cả nhân khẩu lao động của gia đình đều làm nghề này, thu nhập cũng tương đối ổn định. Bình quân hàng năm, thu nhập của mỗi gia đình làm đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề đạt từ 500 - 600 triệu đồng, cao hơn khá nhiều so với những công việc khác…
Bên cạnh đó, Nghề làm màn cũng đã có từ lâu, nhưng trước kia dân Hoài Thượng nói chung chỉ biết làm vải sau đó đổ hàng lên thành phố để máy hoàn chỉnh và bán đi khắp nơi. Khoảng chục năm trở lại đây, trong làng mở các xưởng sản xuất màn, thành lập các công ty. Cho đến nay các công ty phát triển với quy mô vừa và nhỏ, nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Làm màn là một trong những nghề thủ công truyền thống được người dân xã Hoài Thượng nhân cấy, mở rộng và đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nếu như trước kia, chỉ một vài hộ làm màn và làm xong được bán ở những địa phương lân cận. Đến nay, toàn xã có 150 hộ với 4 công ty làm màn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã. Sản phẩm không ngừng nâng cao chất lượng với nhiều mẫu mã thiết kế kiểu dáng mới. Màn khung mạ inox hoa văn độc đáo, mẫu mã đa dạng, giá dao động từ 100-350 nghìn đồng/bộ được sản xuất tại gia đình và được bán tự động tại các địa phương trong cả nước, được người tiêu dùng ưu chuộng. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Sáu – Công ty TNHH Cửu Long xã Hoài Thượng cho biết: Hiện, các hộ làm nghề mộc của thôn đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng, trong đó có nhiều mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp như tủ các loại, bàn ghế, sập… vừa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu khách hàng, vừa góp phần tăng doanh thu. Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định nên thôn không còn hộ nghèo…
Có thể nói, bên cạnh tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, các làng nghề trên địa bàn xã Hoài Thượng đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, lưu giữ truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư trong làng nghề, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Để các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, thời gian tới, xã Hoài Thượng sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ các hộ dân, làng nghề tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất; kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Quan tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Chú trọng phát triển làng nghề với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.