Dưới mái nhà nghĩa tình đồng đội

22/07/2024 14:42 Số lượt xem: 19

Sâu gần 60 năm xây dựng, trưởng thành, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của hàng trăm thương, bệnh binh. Vượt lên những khó khăn, mất mát, nơi đây luôn nồng ấm nghĩa tình đồng chí, đồng đội của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, những con người đã quên mình vì Tổ quốc.


 

 

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành là đơn vị trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, được thành lập ngày 3/4/1965, có nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều trị cho các thương, bệnh binh nặng trong cả nước. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho hơn 1.000 thương, bệnh binh nặng từ các chiến trường trở về. Hiện, Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, điều trị 91 thương binh nặng hạng ¼ với tỷ lệ thương tật từ 81 đến 100%. Các bác xuất thân ở 23 tỉnh, thành phố (từ Thừa Thiên Huế trở ra) bao gồm cả 3 thế hệ bị thương trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 80% thương bệnh binh đều bị các thương tật ở vùng cột sống và sọ não… gây liệt nửa người, có 10% bị thương tổng hợp như cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt… nên phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc, sinh hoạt cá nhân hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn, vất vả (không tự chủ được trong sinh hoạt đại, tiểu tiện, đau nhức thần kinh trong xương khớp, hốc mắt… mỗi khi thời tiết thay đổi). Đa số đều cần phải có sự  phục vụ, trợ giúp của cán bộ, nhân viên y tế và người thân trong gia đình.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến tận hôm nay những hậu quả mà nó để lại vẫn rất nặng nề. Các thương bệnh binh vẫn phải tiếp tục chiến đấu với vết thương tật để vượt qua nỗi đau, sống lạc quan vươn lên trong cuộc sống. Do cùng cảnh ngộ, lại thường sinh hoạt, điều trị cùng nhau tại Trung tâm nên những thương binh, bệnh binh dù đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, song họ luôn cảm thông, gắn bó, động viên nhau cùng vượt lên bệnh tật. Hàng ngày, ngoài những giờ điều trị, phục hồi chức năng, những thương, bệnh binh ở Trung tâm lại cùng cất cao lời ca tiếng hát hoặc cùng nhau chơi cờ tướng, cờ vua...Nhìn những nụ cười, lắng nghe những lời ca, ít ai trong chúng ta nghĩ họ là những con người đang phải gánh chịu những di chứng của chiến tranh; nhiều người còn phải để lại một phần cơ thể tại các chiến trường...

Hầu hết các bác thương binh, bệnh binh tại trung tâm đều cho rằng, động lực để họ vượt qua đau đớn về thể xác và tâm hồn chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ, nhân viên nơi đây. Ở trung tâm, cuộc sống của các bác thương binh, bệnh binh vô cùng dung dị, giản đơn, nhưng luôn chan chứa tình yêu thương. Cũng bởi vậy mà các bác luôn coi nơi đây là quê hương thứ hai, là mái nhà chung của tất cả mọi người.

Trong những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cũng như các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là công sức, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ dành cho thương bệnh binh tại trung tâm. Bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực đã từng bước xoa dịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, tạo niềm tin cho thương binh vào cuộc sống, vượt qua nỗi đau bệnh tật. Theo ông Trương Đăng Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành: “Thấu hiểu và mong muốn bù đắp phần nào những mất mát cho các thương, bệnh binh, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại trung tâm luôn quan tâm và tận tình chăm sóc các bác như những người thân trong gia đình. Chúng tôi luôn ý thức được rằng công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước- những người đã không quản ngại nguy hiểm, hy sinh bản thân vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Là người trực tiếp chăm sóc cho các bác thương binh, bệnh binh tại trung tâm, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Lan chia sẻ: Các bác thương binh, bệnh binh tại trung tâm do tuổi cao, sức yếu, lại mang trên mình những vết thương chiến tranh nên quá trình chăm sóc gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại trung tâm luôn xác định nhiệm vụ phục vụ người có công là một niềm vinh dự. Vì vậy, công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc thương binh luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với những mất mát và nỗi đau mà các bác đang trải qua. Với chúng tôi, công việc chăm sóc các bác không chỉ là trách nhiệm mà còn là sẻ chia, sự thấu hiểu và yêu thương từ tận đáy lòng”.

Hàng năm, cứ vào dịp ngày lễ, tết, đặc biệt là dịp 27-7, Trung tâm lại đón nhận sự tri ân của từ các cấp, ngành, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể cũng như cá nhân từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Dù chỉ là những phần quà nhỏ bé, nhưng gửi vào đó là những tấm lòng thơm thảo, sự biết ơn sâu nặng từ tận đáy lòng của lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau. Mới đây, ngày 18-7, khi đến thăm, tặng quà các thương, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã không khỏi xúc động, và gửi lời tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của các thương binh, bệnh binh. Trung tướng Phạm Trường Sơn nhấn mạnh: Các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành đều là các đồng chí mang thương tật, bệnh tật nặng, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Nhưng với ý chí, nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ”, các đồng chí luôn giữ được niềm tin trong cuộc sống, kiên trì, bền bỉ khắc phục mọi khó khăn, chiến thắng bệnh tật, làm nhiều công việc phù hợp với sức khỏe để ổn định cuộc sống gia đình và bản thân, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Xúc động trước sự quan tâm các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân, bác Trần Thị Hồng, thương binh hạng 1/4 cho biết: “Ở trung tâm, tôi luôn nhận được sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần. Cùng với sự phát triển của xã hội và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất của chúng tôi ngày càng được nâng cao. Sự quan tâm, thăm hỏi của mọi người chính là động lực mạnh mẽ tiếp sức cho chúng tôi vượt lên chính mình”.

Chính sự gắn bó, sẻ chia của tình đồng chí, đồng đội, sự kính trọng, tri ân của cán bộ, nhân viên Trung tâm cũng như của các thể hệ đi sau đã tiếp thêm động lực giúp các chú, các bác thêm lạc quan trong cuộc sống. Đó đồng thời cũng là nguồn động viên to lớn để mỗi thương, bệnh binh nặng tiếp tục phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” và thực hiện tốt lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.

 

 

Đức Quý