Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập thị xã Thuận Thành
Ngày 13/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 20. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Ninh được đồng ý thành lập thị xã Thuận Thành và thị xã Quế Võ (có hiệu lực từ ngày 10/4/2023).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Việc thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở nguyên trạng 117,83 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 199.577 người của huyện Thuận Thành. Trong đó, thành lập 10 phường (Hồ, An Bình, Song Hồ, Gia Đông, Thanh Khương, Hà Mãn, Trạm Lộ, Trí Quả, Xuân Lâm, Ninh Xá) trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Hồ và 9 xã kể trên. Với việc điều chỉnh này,thị xã Thuận Thành không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính mà chỉ thành lập 10 phường và giữ nguyên 8 xã.
Có được kết quả trên, thời gian qua, bằng sự đổi mới, sáng tạo trong điều hành, quản lý, kinh tế của huyện Thuận Thành có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được một số thành tựu quan trọng. Quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hướng tới hình thành một đô thị khang trang hiện đại, phát triển bền vững.
Nằm ở phía Nam của tỉnh Bắc Ninh, thị xã Thuận Thành được định hướng là đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; nằm trên hành lang kết nối 06 phân khu đô thị Bắc Ninh - Tiên Du - Từ Sơn - Quế Võ - Yên Phong - Thuận Thành và giữ vai trò liên kết giữa đô thị Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên thông qua những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng như: Quốc lộ 38 đi thành phố Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên; quốc lộ 17 đi thành phố Hà Nội; tuyến đường tỉnh 280 nối liền thị trấn Hồ với thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình và thị trấn Thứa, huyện Lương Tài;...
Không những được định hướng trở thành đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh theo Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, mà thị xã Thuận Thành còn giữ vai trò là trung tâm tổng hợp (kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch, dịch vụ), đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Nam sông Đuống và khu vực lân cận. Bên cạnh việc tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Thuận Thành đã bám sát lộ trình phát triển theo Quy hoạch, Kế hoạch và Chương trình phát triển đô thị của tỉnh.
Một góc trung tâm thị xã Thuận Thành
Việc thành lập thị xã Thuận Thành không làm mất đi vị thế chiến lược của huyện mà còn củng cố hơn nữa cho Thuận Thành trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trong tương lai, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của đô thị. Đây cũng là cơ hội thuận lợi giúp khơi dậy và phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có để huyện Thuận Thành bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện cuộc sống đô thị cho người dân địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Hiện đại, văn minh, hài hòa và bền vững”. Do đó, việc thành lập thị xã Thuận Thành là thực sự cần thiết; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung và huyện Thuận Thành nói riêng.
Việc thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh là phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền, phù hợp giúp Thuận Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên bộ mặt mới cho đô thị Thuận Thành trong giai đoạn phát triển và hội nhập. Đồng thời, đây cũng là động lực mạnh mẽ tăng cường thu hút đầu tư, khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để huyện bứt phá vươn lên, phát triển bền vững trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là tiền đề hướng tới hoàn thành nhiệm vụ đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 theo hướng “Hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa, sinh thái, bền vững”./.