Thị xã Thuận Thành tập trung chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

22/12/2023 10:17 View Count: 261

Để thực hiện hiệu quả Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4270/UBND-NN ngày 29/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, UBND thị xã Thuận Thành đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, phường thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Để chủ động phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thị xã kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Uỷ ban nhân dân thị xã Thuận Thành đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường thực hiện thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để nâng cao nhận thức của người dân. Chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở, nhất là những nơi, khu vực đã từng phát sinh bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, không để dịch bệnh phát sinh lây lan. Thành lập Đoàn kiểm tra do đồng chí Phó chủ tịch thường trực UBND thị xã làm Trưởng đoàn để tiến hành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại các xã, phường. Chỉ đạo thống kê, kiểm soát đàn lợn trên địa bàn kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến để làm rõ nguyên nhân; rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như: Lở mồm long móng, Tai xanh, đặc biệt là vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn; bố trí kịp thời kinh phí thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.

A group of people wearing surgical masks

Description automatically generated

(Lực lượng Thú y các xã, phường của thị xã Thuận Thành triển khai tiêm vắc xin cho đàn lợn)

Ông Nguyễn Như Quang - Trạm trưởng Trạm chăn nuôi, thú y và thủy sản thị xã Thuận Thành cho biết, thị xã Thuận Thành hiện có tổng đàn lợn là 66.106 con, trong đó lợn nái là 5.405 con, lợn đực giống 64 con, lợn thịt 53.818 con, lợn con theo mẹ là 6.819 con; kết thúc đợt tiêm phòng vụ thu đông năm 2023, toàn thị xã đã tiêm vắc xin cho đàn lợn gồm: Tai xanh cho đàn lợn nái, đực giống 5.000 liều; Lở mồm long móng cho đàn lợn nái, đực giống 5.310 liều; Dịch tả cổ điển 61.000 liều; Tụ huyết trùng 61.000 liều; Phó thương hàn 5.900 liều; Tiêm phòng thí điểm vắc xin Dịch tả lợn Châu phi được 633 con tại 9 xã, phường gồm (Ngũ Thái 182 con; Hoài Thượng 19 con; Mão Điền 91 con; Đình Tổ 26 con; Đại Đồng Thành 46 con; Gia Đông 20 con; Ninh Xá 50 con; An Bình 8 con; Trạm lộ 169 con)

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn với tỷ lệ chết lên đến 100%. Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu xảy ra dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gian tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng và thức ăn thừa của lợn nhiễm bệnh hoặc chuột, ruồi muỗi...

Để làm tốt công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của các cấp, Trạm chăn nuôi, thú y và thủy sản thị xã đã tiến hành triển khai đến lực lượng thú y cơ sở để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát. Ông Nguyễn Như Quang cho biết, đối với người dân cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; tuân thủ các quy định về quản lý, vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn. Người dân cần thông tin kịp thời cho nhân viên thú y, chính quyền và cơ quan thú y địa phương bất cứ khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu. Đối với cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn, nghiêm cấm không được giết mổ lợn khi nghi ngờ lợn có biểu hiện bệnh, đồng thời phải dừng ngay việc giết mổ, thông tin cho cơ quan chuyên môn biết để kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.


(ông Nguyễn Văn Tỉnh - thôn Liễu Khê, xã Song Liễu)

Là hộ hiện đang chăn nuôi 200 con lợn thịt có thể xuất bán trong dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Văn Tỉnh - thôn Liễu Khê, xã Song Liễu cho biết, với tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nếu để xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế của gia đình, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, ông Tỉnh đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chăn nuôi, tiêm đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn, đồng thời giữ khoảng cách và kiểm soát tốt ra vào khu vực chăn nuôi, tránh xa những nguồn lây nhiễm như: vật nuôi ốm, chết, mang trùng, con người, thức ăn nước uống, chất thải chăn nuôi, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi, động vật khác...). Khu vực chuồng nuôi được ông Tỉnh bố trí hợp lý, có nơi chứa và xử lý chất thải riêng, có nơi chứa thức ăn và dụng cụ chăn nuôi riêng. Khu chăn nuôi có hàng rào, có cổng luôn đóng để hạn chế người ra vào. Khi cần tăng đàn thì cần áp dụng biện pháp cách ly vật nuôi mới mua về, vật nuôi ốm và nghi ốm để theo dõi và có biện pháp điều trị kịp thời. Được biết ông Tỉnh đang chăn nuôi lợn theo mô hình áp dụng men vi sinh để tăng cường hệ miễn dịch trong chăn nuôi lợn thịt, từ kết quả ông Tỉnh cho biết, đàn lợn của ông đang phát triển tốt, độ đồng đều cao, trọng lượng bình quân khi bắt giống là 10kg, sau 2 tháng nuôi đã đạt trọng lượng trên 50kg, mặc dù đã áp dụng tốt các biện pháp trong phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi xong ông Tỉnh cũng tỏ ra lo lắng về diễn biến của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Là đơn vị có số lượng lợn lớn của thị xã Thuận Thành, ông Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch UBND xã Đình Tổ cho biết, xã Đình Tổ hiện có tổng đàn lợn là 23.640 con, trong đó có 03 hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại ngoài khu dân cư với số lượng lớn (ông Nguyễn Trọng Đô - thôn Đại Trạch nuôi 9.600 con lợn thịt; ông Nguyễn Văn Yên - thôn Đại Trạch nuôi 3.000 con lợn thịt, bà Nguyễn Thị Hảo - thôn Phú Mỹ nuôi 6.000 con lợn thịt). Trước những diễn biến phức tạp của Dịch tả lợn Châu Phi, với phương châm không chủ quan lơ là, xã Đình Tổ đã chỉ đạo các ngành, các thôn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ lợn mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường làm dịch bệnh lây lan. Chỉ đạo mạng lưới thú y xã và thôn thống kê, kiểm soát đàn lợn trên địa bàn để kịp thời phát hiện sự biến động; rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất. Thực hiện nghiêm việc xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Ủy ban nhân dân thị xã Thuận Thành, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương và người dân sẽ là cơ sở để ngăn chặn và hạn chế dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát sinh, lây lan, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước, đồng thời góp phần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn./.

 

Nguyễn Lam - Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành