Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Nhà giáo

09/11/2024 20:55 View Count: 59

Ngày 9/11, Quốc hội nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Nhà giáo; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Sau đó tiến hành thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật trên.

Đại biểu Trần Thị Vân tham gia nhiều ý kiến tại Tổ 13.

Thảo luận tại tổ 13 về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật và đánh giá cao việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Chính phủ đã tiếp thu kiến nghị của các doanh nghiệp trong thời gian qua về việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người sử dụng lao động và người lao động.

Tham gia ý kiến về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng, thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng, đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng, sau đó đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp; Bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng; Đối với người lao động khi nghỉ hưu còn thời gian tham gia BHTN chưa được hưởng cũng được hưởng một khoản trợ cấp BHTN một lần tương tự như khi tham gia BHXH để bảo đảm tính công bằng có đóng, có hưởng của người lao động.

Về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN, đại biểu đề nghị rà soát lại để đảm bảo quy định về mức tiền lương đóng BHXH và BHTN cao nhất thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đề nghị bỏ quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa (hay “trần” mức hưởng) tại khoản 1, Điều 65 mà chỉ quy định mức đóng tối đa (“trần” mức đóng), còn mức hưởng theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp.

Thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết. Bởi, hiện nay chính sách Nhà giáo được quy định ở nhiều Luật: Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, mà chưa có một luật riêng về Nhà giáo. Tuy nhiên, cần làm rõ và đưa ra giới hạn phạm vi hoạt động “phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác” để tránh tình trạng tuỳ tiện bắt giáo viên đi làm các việc không liên quan đến việc giảng dạy.

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, đề nghị bổ sung đối tượng giáo viên Tiểu học là nữ được hưởng chế độ nghỉ hưu như giáo viên mầm non quy định tại dự thảo Luật. Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều cử tri khi các ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đi tiếp xúc cử tri các địa phương trong tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà phát biểu ý kiến tại Tổ 13.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị rà soát quy định tại các Điều/Khoản khác để làm đậm nét hơn các quy định về đạo đức nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo và việc bảo vệ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể: bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm danh dự nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh hoặc các bên khác; các chế tài để xử lý vi phạm đối với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.

Về chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non, theo đại biểu, nếu đề xuất nhà giáo mầm non nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn và “không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi” thì Ban soạn thảo cần rà soát kỹ để sửa đổi quy định Luật Bảo hiểm xã hội. Tại khoản 7 Điều 48 dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tại khoản 3 Điều 66 như sau: “Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 65 Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Nhà giáo”, nhưng cần tiếp tục rà soát và tính toán phù hợp, hoặc bổ sung nhà giáo mầm non vào danh mục nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi sớm hơn, hoặc phải tách nhà giáo mầm non thành một đối tượng riêng được hưởng chính sách này.

Bên cạnh đó, cần gia tăng các chính sách hỗ trợ khác cho giáo viên mầm non tại dự thảo Luật một cách mạnh mẽ hơn, như: tính toán phương án tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non lên 100% (giống như nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng); bố trí đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non để giáo viên mầm non dạy đúng, đủ định mức quy định, có thêm thời gian để nghỉ ngơi tái tạo sức lao động hoặc gia tăng các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khác...

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính vào Chính sách hỗ trợ nhà giáo (Điều 26) hoặc Chính sách thu hút nhà giáo (Điều 27). Đồng thời nghiên cứu, quy định trực tiếp tại dự thảo Luật “phụ cấp thâm niên nhà giáo được bảo lưu khi nhà giáo chuyển công tác đến đơn vị, cơ quan khác vẫn thuộc ngành Giáo dục, phụ cấp thâm niên nhà giáo không được bảo lưu nếu chuyển công tác ra khỏi ngành Giáo dục.”

 

 

Source: Bacninh.gov.vn