Lễ công bố bảo vật Quốc gia - Mộc bản Chùa Dâu và khai hội chùa Dâu năm 2024
Sáng 13-5, thị xã Thuận Thành tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật Quốc gia đối với mộc bản chùa Dâu và khai hội chùa Dâu năm 2024. Dự có lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hoà thượng Thích Thanh Phụng, Uỷ viên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh. Về phía thị xã, dự có các đồng chí: Trần Ngọc Thực, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Thị uỷ; Văn Quốc Cường, Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã; Nguyễn Xuân Đương, Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thị uỷ; lãnh đạo Thị uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ thị xã, cùng đông đảo tăng ni, phật tử và nhân dân địa phương.
Chùa Dâu thuộc tổng Dâu xưa, nay thuộc phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành. Chùa Dâu là chùa Cả trong hệ thống chùa Tứ pháp vùng Dâu, gồm: chùa Dâu thờ Phật Pháp Vân, chùa Thành Đạo thờ Phật Pháp Vũ, chùa Phi Tướng thờ Phật Pháp Lôi, chùa Phương Quan thờ Phật Pháp Điện. Hội chùa Dâu được chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND thị xã đánh trống khai hội chùa Dâu năm 2024.
Theo các nguồn tư liệu, chùa Dâu được khởi dựng từ Thế kỷ II, là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên tạo nên một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Từ trung tâm Dâu, Phật giáo đã phát quang, lan tỏa ra khắp các vùng miền trong cả nước, tạo thành một tôn giáo lớn, chính thống của nước ta.
Trong quá trình tồn tại chùa Dâu được các triều đại phong kiến trùng tu mở rộng với quy mô lớn. Vào thời Trần, chùa được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho xây dựng với quy mô “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Trải qua thăng trầm của lịch sử đến nay chùa Dâu vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính và là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa quý giá của dân tộc, gồm: Hệ thống gần 100 pho tượng thờ, 22 bia đá, 1 chuông đồng, 1 khánh đồng được tạo tác vào các thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Với những giá trị nổi bật độc đáo về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, ngày 9/12/2013, chùa Dâu được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Đến ngày 25/12/2017, bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu tiếp tục được công nhận bảo vật quốc gia. Mới đây, ngày 18/01/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 73 về việc công nhậnn bộ mộc bản chùa Dâu là bảo vật quốc gia.
Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn, cụ thể từ là từ năm 1752 đến năm 1859. Chữ khắc trên mộc bản đều là chữ Hán cổ, chữ Nôm và được khắc ngược (âm bản). Các ván in được khắc kiểu chữ chân phương dễ đọc, đường nét mềm mại, có tính thẩm mĩ cao. Mộc bản chùa Dâu mang trên mình nhiều giá trị, gồm: giá trị lịch sử; giá trị về phương diện Phật giáo; giá trị đối với vấn đề nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng vùng Dâu – Luy Lâu; giá trị về tư liệu; giá trị về ngôn ngữ; giá trị về nghệ thuật thư pháp… Đặc biệt, Mộc bản chùa Dâu còn có giá trị cao về mộc bản học và có hình thức tạo tác độc đáo.
Phát biểu tại Lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia đối với mộc bản chùa Dâu, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã khẳng định: Việc công nhận bảo vật quốc gia là một căn cứ pháp lý quan trọng thể hiện sự công nhận của Nhà nước đối với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật đối với bộ mộc bản tại chùa Dâu.
Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật lâu dài, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ người dân; làm sáng tỏ lịch sử, truyền thống văn hoá, phong tục tập quán của địa phương; là cơ sở cho việc trùng tu, tôn tạo trong thời gian tới và là động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững trong thời kỳ đổi mới. Thông qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, bảo vật Quốc gia tại chùa Dâu…