Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống
Chợ truyền thống là nơi cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên cho hầu hết người dân trên các địa bàn nên vấn đề an toàn thực phẩm tại đây luôn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Nhằm góp phần bảo đảm ATTP, thời gian qua, thị xã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đảm bảo ATTP tại các chợ truyền thống, bên cạnh việc tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, việc tổ chức các hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm tại chợ truyền thống là một trong những biện pháp bước đầu giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm, từng bước khắc phục những khó khăn trong công tác bảo đảm ATTP.
Chợ Truyền thống là nơi cung cấp thực phẩm thiết yếu liên quan chặt chẽ đến sức khoẻ và tiêu dùng hàng ngày của người dân. Trước đây khi chưa thành lập ban quản lý an toang thực phẩm, mạnh lưới ở tuyến cơ sở chưa được kiện toàn, công tác kiểm soát về an toàn thực phẩm tại các chợ còn nhiều khó khăn. Nhưng khi ban quản lý được thành lập, vấn đề này đã được khắc phục góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho mọi người về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Thuỷ – Tiểu thương tại chợ Chẹm, phường Trạm Lộ chia sẻ: Việc cơ quan chức năng về các chợ để lấy mẫu kiểm tra chất lượng thực phẩm là rất thiết thực, người dân đồng tình ủng hộ. Bản thân bà buôn bán thịt lợn cũng mong muốn cơ quan chức năng lấy mẫu để kiểm tra, qua đó biết được sản phẩm của mình có đảm bảo chất lượng hay không, từ đó có những điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng…
Chợ trung tâm thị xã là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá sôi động của người dân trên địa bàn. Chợ được chia thành nhiều khu bán hàng, khu bán hoa quả, rau, củ, đồ khô đến thực phẩm tươi sống và chế biến. Để thực hiện tốt các quy định về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và có biện pháp xử lý chặt chẽ, qua đó giúp các tiểu thương hiểu và chấp hành các quy định. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiền – Khu phố Lạc Thổ Nam, phường Hồ chia sẻ: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống là việc quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống phụ thuộc rất lớn vào ý thức trách nhiệm, lương tâm của người cung cấp, người bán…
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có trên 100 chợ dân sinh, tỷ trọng cung cấp hàng hoá chiếm trên 80% nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân và việc kiểm soát về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Khi ban an toàn thực phẩm tỉnh được thành lập, mạng lưới tổ chức về an toàn thực phẩm cũng được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, nhờ đó đã huy động sự vào cuộc đồng bộ tích cực của các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể trong việc cộng đồng trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Để bảo đảm vệ sinh ATTP với các mặt hàng tại các chợ, việc quan trọng nhất chính là ý thức tự giác, trách nhiệm và đạo đức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Cùng với đó, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình; chọn mua sản phẩm uy tín, đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời đối với những hàng quán không tuân thủ các điều kiện vệ sinh ATTP, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân và cộng đồng.