Thống kê truy cập

Online : 2676
Đã truy cập : 150573016

Tăng cường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

22/09/2023 15:01 Số lượt xem: 322

Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là 1 trong 6 nội dung trong kế hoạch công tác cải cách hành chính của ngành y tế năm 2023. Thực hiện kế hoạch này, trong quý 3/2023 Sở Y tế đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt và cơ bản thành thành các nội dung theo yêu cầu.

Kết quả cho thấy, bên cạnh việc tiếp  tục rà soát, tái cấu trúc quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sở Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành cập nhật hồ sơ vào hệ thống quản lý cán bộ, công chức viên chức theo Đề án 06 của Chính phủ (tính đến ngày 10/8/2023 hoàn thành việc cập nhật thông tin hồ sơ của 4708 công chức, viên chức, lao động); duy trì sử dụng các hệ thống quản lý tài sản, kế toán tại Sở Y tế và các đơn vị trong ngành.

Hiện toàn ngành đã có 02 cơ sở được Bộ Y tế công nhận triển khai thành công bệnh án điện tử là Bệnh viện Sản Nhi và Trung tâm Y tế huyện Yên Phong; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong ngành đều sử dụng Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); một số cơ sở đã triển khai Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS), Hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Sử dụng Căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh để thay thế cho Thẻ bảo hiểm y tế giấy tại TTYT thị xã Thuận Thành

Tiếp tục triển khai hoạt động y tế từ xa theo quy định tại Thông tư số 49/2017/TT-BYT; duy trì và nâng cao hiệu quả triển khai: Tư vấn y tế từ xa, đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Từng bước hoạt thiện cơ sở vật chất, nâng cao mức độ đáp ứng về hạ tầng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ xa theo quy định tại Quyết định số 28/QĐ-BYT ngày 05/01/2021 của Bộ Y tế.

100% các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trong ngành đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (16/16 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh), với các phương thức triển khai đa phần còn đơn giản (chuyển khoản, POS,..); riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh đã triển khai QR động và Thẻ khám bệnh ở mức độ phức tạp cao. Tuy nhiên số lượng bệnh nhân sử dụng dịch vụ theo báo cáo của các đơn vị còn ở mức thấp.

Phần mềm kết nối liên thông dữ liệu dược quốc gia: thực hiện cấp mã cơ sở, tài khoản kết nối, liên thông dữ liệu cho 100% các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử đối với các đơn vị khám chữa bệnh trong và ngoài công lập.

Duy trì và triển khai nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử; thực hiện cập nhật thông tin sức khỏe (một số bệnh lý mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường…); từng bước cập nhật dữ liệu lịch sử khám chữa bệnh của người dân từ việc liên thông dữ liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của Nền tảng Quản lý tiêm chủng trong lập kế hoạch, quản lý vắc xin, quản lý đối tượng tiêm chủng; hiện trên địa bàn tỉnh 100% cơ sở tiêm chủng được cấp tài khoản (130 cơ sở tiêm chủng mở rộng, trên 60 cơ sở tiêm chủng dịch vụ).

Thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT, hệ thống giám sát và phát hiện bệnh truyền nhiễm được thực hiện xuyên suốt từ tuyến y tế cơ sở đến tuyến tỉnh, từ các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 126 đơn vị trạm y tế cấp xã, 8 Trung tâm y tế cấp huyện (TTYT), 07 Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, các Bệnh viện/phòng khám đa khoa tư nhân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT), các Phòng Y tế và Sở Y tế tham gia giám sát và báo cáo bệnh truyền nhiễm trên phần mềm của Thông tư 54/2015/TT-BYT.

Bước đầu triển khai Nền tảng quản lý Trạm y tế xã theo quy định tại Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn; 100% trạm y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh, sử dụng phần mềm thống kê y tế.

Riêng việc triển khai các nhiệm vụ tại đề án 06,  Sở Y tế đã trang bị máy quét QR code tại 16/16 cơ sở khám chữa bệnh trong ngành và chỉ đạo các đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn trang bị máy quét QR để thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD.

Đối với việc khai báo lưu trú cho bệnh nhân nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên ứng dụng VNEID, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú tiếp tục quản lý, thực hiện thông báo lưu trú đối với bệnh người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định của Luật cư trú năm 2020 và đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong Đề án 06 đề ra. 100% các cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe lái xe thực liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng giám định BHYT phục vụ công tác liên thông cấp lại giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phát sinh Giấy chứng sinh, chứng tử đã thực hiện liên thông Giấy chứng sinh, Giấy chứng tử đẩy lên Cổng giám định BHYT để triển khai quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm TTHC liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.

Tiếp tục rà soát, làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID và ký hộ chiếu vắc xin; 100% cơ sở Y tế triển khai các dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; Đã hoàn thành cập nhật dữ liệu hồ sơ của 4708/4708 công chức, viên chức, lao động trong ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu về CBCCVC quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ.

Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử của  ngành, tích cực triển khai các hoạt động số hóa, ký số văn bản chỉ đạo, điều hành và nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính của ngành y tế.

Nguồn: CDC