Xây dựng bộ chỉ số chuyển đổi số và phương pháp đánh giá chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh
Hiện nay trong xu thế Chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương đều triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy Chuyển đổi số và thực hiện đánh giá chỉ số chuyển đổi số.
Bộ thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”. Do đó, việc xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá chuyển đổi số (DTI) tại tỉnh Bắc ninh là rất cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của địa phương, đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính, đổi mới phương pháp làm việc, phương pháp chỉ đạo điều hành của hệ thống nhà nước và hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
(Đ/c Nguyễn Trung Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở chủ trì cuộc họp)
Ngày 24/8/2023 Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định thành lập Tổ soạn thảo “Bộ chỉ số và phương pháp đánh giá chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh” do đồng chí Nguyễn Trung Hiền – Giám đốc Sở là Tổ trưởng.
Tổ soạn thảo đã họp thống nhất các nội dung về tiêu chí xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá chuyển đổi số trên cơ sở Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia” ban hành theo Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông và những quy định hiện hành tại địa phương.
(Đ/c Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc TTCNTT&TT báo cáo tại cuộc họp)
Bộ chỉ số chuyển đổi số xây dựng với mục đích như sau:
- Bộ chỉ số là căn cứ để các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số hàng năm. Đồng thời làm cơ sở để theo dõi, đánh giá, so sánh và xếp hạng mức độ chuyển đổi số, gắn với đánh giá kết quả xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Giúp UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương theo dõi, phát hiện và chỉ đạo khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chuyển đổi số, phục vụ công tác quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng và cán bộ, công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành, địa phương. Từ đó xây dựng các cơ quan điển hình, cá nhân tiêu biểu trong việc thực hiện Chuyển đổi số.
Đồng thời, các tiêu chí đánh giá chuyển đổi số đáp ứng được các yêu cầu:
- Đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực và minh bạch. Phản ánh đúng hiện trạng việc xây dựng và triển khai thực hiện Chuyển đổi số.
- Các kết quả đánh giá trong từng chỉ tiêu phải có số liệu minh chứng hoặc tài liệu kiểm chứng tin cậy, đầy đủ và chính xác.
- Chỉ ra được những mặt còn tồn tại, hạn chế để tìm hướng khắc phục trong những năm tiếp theo.
- Các tiêu chí đánh giá có tính mở và được cập nhật, phát triển phù hợp với thực tiễn trong các năm tiếp theo./.