ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

23/12/2015 20:26 Số lượt xem: 12201
 
1. Điều kiện tự nhiên
1.1. Vị trí địa lý và ranh giới hành chính
          Tiên Du là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm tỉnh 5km về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 25km về phía Bắc. Tọa độ địa lý của huyện nằm trong khoảng từ 20005’30’’ đến 21011’00’’ độ vĩ Bắc và từ 105058’15’’ đến 106006’30’’ độ kinh Đông. Diện tích tự nhiên của huyện khi chưa điều chỉnh địa giới là 10.838,94 ha, với 14 đơn vị hành chính gồm: 01 thị trấn (thị trấn Lim) và 13 xã (xã Liên Bão, xã Đại Đồng, xã Phật Tích, xã Hiên Vân, xã Lạc Vệ, xã Nội Duệ, xã Tri Phương, xã Hoàn Sơn, xã Tân Chi, xã Minh Đạo,  xã Cảnh Hưng, xã Việt Đoàn, xã Phú Lâm). Huyện Tiên Du có giáp ranh với các địa phương sau:
          - Phía Bắc giáp thành phố Bắc Ninh và huyện Yên Phong.
          - Phía Nam giáp huyện Thuận Thành.
          - Phía Đông giáp huyện Quế Võ.
          - Phía Tây giáp thị xã Từ Sơn.
          Sau khi có điều chỉnh theo địa giới hành chính mới theo Nghị định 60/2007/NĐ-CP tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện Tiên Du là: 9.568,65 ha, với 14 đơn vị hành chính (2 xã Khắc Niệm và Hạp Lĩnh chuyển về thành phố Bắc Ninh), gồm 01 thị trấn (thị trấn Lim) và 13 xã (xã Liên Bão, xã Đại Đồng, xã Phật Tích, xã Hiên Vân, xã Lạc Vệ, xã Nội Duệ, xã Tri Phương, xã Hoàn Sơn, xã Tân Chi, xã Minh Đạo, xã Cảnh Hưng, xã Việt Đoàn, xã Phú Lâm). Vị trí của huyện cơ bản vẫn giáp ranh với các huyện và thành phố lúc trước khi điều chỉnh địa giới.
          - Trên địa bàn huyện có 3 tuyến quốc lộ 1A, 1B, 38, tỉnh lộ 276, 295 và đường sắt chạy qua nối liền với thành phố Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo cho huyện có thế mạnh trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa và tiêu thụ sản phẩm.
          Tiên Du là một huyện đồng bằng, đất đai màu mỡ, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh thuận lợi cho việc phát triển thâm canh lúa chất lượng cao. Là huyện có truyền thống cách mạng và văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa: như chùa Hồng Vân, chùa Bách Môn, chùa Phật Tích… Tiên Du còn là huyện có các làng nghề truyền thống như: Nghề xây dựng ở Nội Duệ, nghề dệt lụa ở thị trấn Lim, nghề làm giấy ở Phú Lâm…
          Với vị trí địa lý như vậy Tiên Du có đủ điều kiện để phát huy tiềm năng đất đai cũng như các nguồn lực khác, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, hòa nhập với nền kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
1.2. Địa hình, địa chất
1.2.1. Địa hình
          Do nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng nên địa hình Tiên Du tương đối bằng phẳng. Hầu hết diện tích trong huyện đều có độ dốc <30 (trừ một số đồi núi thấp như: đồi Lim, núi Vân Khám, núi Chè, núi Phật Tích, núi Bát Vạn, núi Đông Sơn… có độ cao từ 20-120m, chiếm diện tích nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên). Địa hình vùng đồng bằng có xu thế nghiêng ra biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Độ cao trung bình 2,5 - 6,0m so với mặt nước biển.
          Nhìn chung địa hình của huyện thuận lợi cho phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới khu dân cư, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kiến thiết đồng ruộng tạo ra những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát triển rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
1.2.2. Địa chất
          Đặc điểm địa chất huyện Tiên Du tương đối đồng nhất do nằm gọn trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên Tiên Du mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất sụt trũng sông Hồng. Mặt khác, do nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc nên có những nét mang tính chất của vùng Đông Bắc, bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng, càng xuống phía Nam cấu trúc địa chất càng dầy hơn phía Bắc.
1.3. Về khí hậu, thủy văn
          Tiên Du nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: nóng ẩm, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Thời tiết trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa biến động thất thường qua các năm, lượng mưa/tháng từ 125,2mm (tháng 10) đến 283,3mm (tháng 8) và thường phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng mưa chiếm khoảng 84,64% tổng lượng mưa cả năm.
          Hàng năm có 2 mùa gió chính: Gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, gió mùa Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm mưa rào.
          Số giờ nắng trung bình các tháng/năm khoảng 139,32 giờ, số giờ nắng tháng thấp nhất khoảng 46,9 giờ (tháng 2), số giờ nắng cao nhất khoảng 202,8 giờ (tháng 7). Tổng số giờ nắng trong năm khoảng 1.671,9 giờ. Nhiệt độ trung bình tháng dao động từ 23,40C - 29,90C, nhiệt độ phân bố theo mùa, mùa nắng nhiệt độ trung bình >230C, mùa lạnh nhiệt độ trung bình <200C.
          Độ ẩm không khí trung bình/năm khoảng 84%, trong đó tháng có độ ẩm không khí lớn nhất khoảng 88% (tháng 3), tháng có độ ẩm không khí thấp nhất khoảng 70% (tháng 12).
          Nhìn chung Tiên Du có điều kiện khí hậu thuận lợi thích hợp với nhiều loại cây trồng, cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng và phong phú. Mùa đông có thể trồng nhiều cây hoa màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên cũng cần phải chú ý đến các hiện tượng bất lợi như nắng, nóng, lạnh, khô hạn và lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa… để có kế hoạch chỉ đạo sản xuất cho hợp lý. Yếu tố hạn chế nhất đối với sử dụng đất là do mưa lớn tập trung theo mùa thường làm ngập úng các khu vực thấp trũng gây khó khăn cho việc thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích.
 
A. Các nguồn tài nguyên:
I. Tài nguyên đất
          Theo kết quả điều tra xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 toàn tỉnh, có bổ sung trên bản đồ tỷ lệ 1/10.000 của huyện và sau khi có sự điều chỉnh lại địa giới hành chính thì đất đai huyện Tiên Du bao gồm các loại đất chính được mô tả như sau:
 
1. Đất phù sa được bồi hàng năm của hệ thống sông Hồng (Phb)
          Có diện tích 330,46 ha chiếm 3,45% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố dọc theo sông Đuống, tập trung tại các xã Cảnh Hưng, Minh Đạo, Tân Chi. Đất được hình thành bởi phù sa của sông Đuống. Tính chất của đất phù sa là được bồi thường xuyên vào những mùa mưa lũ (tháng 7, tháng 8), thành phần cơ giới nhẹ, tầng đất khá dày, khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng thấp. Tuy nhiên, do được bồi đắp phù sa hàng năm nên đất vẫn có độ phì khá. Loại đất này thích hợp với việc trồng các loại hoa màu lương thực như: Lúa, ngô, khoai, mía, rau đậu các loại.
 
2.  Đất phù sa không được bồi của hệ thống sông Hồng (Ph)
          Có diện tích 609,63 ha, chiếm 6,37% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Đại Đồng, Tri Phương, Minh Đạo, Tân Chi. Đất được hình thành ở địa hình cao hơn so với đất phù sa được bồi hàng năm, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt trung bình, ít chua, nghèo lân tổng số và lân dễ tiêu, kali tổng số và kali dễ tiêu khá cao, các chất dinh dưỡng khác trung bình. Đây là loại đất có khả năng thâm canh, tăng vụ mở rộng diện tích cây vụ đông.
 
3.  Đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng (Phg)
          Diện tích 3.331,94 ha, chiếm 34,82% tổng diện tích đất tự nhiên. Loại đất này chiếm diện tích lớn nhất, phân bố hầu hết các xã trong huyện, tập trung thành những cánh đồng lớn. Đất được hình thành ở địa hình vàn, vàn thấp trong điều kiện ngập nước, gley yếu đến trung bình. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, đất chua, hàm lượng mùn và đạm khá, lân dễ tiêu nghèo. Đây là loại đất đang trồng 2 vụ lúa có năng suất cao, ổn định, cần có biện pháp cải tạo mở rộng diện tích cây vụ đông.
 
4.  Đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng (Phf)
          Diện tích 686,54 ha chiếm 7,17% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Hoàn Sơn, Liên Bão, Phú Lâm, Việt Đoàn, Lạc Vệ. Đất thường hình thành ở địa hình cao hơn các loại phù sa khác. Do các chất kiềm và kiềm thổ bị rửa trôi, sắt nhôm tích tụ tạo nên các tầng loang lổ đỏ vàng. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, phản ứng đất chua vừa. Có thể thâm canh tăng vụ trên loại đất này nếu được tưới tiêu chủ động.
 
5.  Đất phù sa gley của hệ thống sông Thái Bình (Pg)
          Diện tích 762,07 ha chiếm 7,96% tổng diện tích đất tự nhiên, được phân bố tập trung chủ yếu ở xã Phú Lâm. Giống như đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng, loại đất này thường ở địa hình thấp. Hiện tại trên loại đất này đang trồng lúa nước 2 vụ ổn định, muốn tăng năng suất cần phải tăng cường bón vôi, lân để cải tạo đất.
 
6.  Đất phù sa có tầng loang lổ của hệ thống sông Thái Bình (Pf)
          Diện tích 321,61 ha chiếm 3,36% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố tập trung chủ yếu ở xã Phú Lâm. Giống như đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng của hệ thống sông hồng (Phf), loại đất này thường ở địa hình cao, nhưng quá trình tích tụ sắt nhôm mạnh hơn nên đất có phản ứng chua hơn. Nếu được tưới tiêu chủ động có thể thâm canh tăng vụ trên loại đất này.
 
7.  Đất phù sa úng nước (Pj)
          Diện tích 354,02 ha chiếm 3,70% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Phú Lâm, Phật Tích, Nội Duệ. Loại đất này ở địa hình thấp nhất (trũng) thường bị úng nước sau khi mưa. Vì vậy cần phải củng cố hệ thống tiêu nước để trồng ổn định 2 vụ lúa. Những nơi khó tiêu nước nên chuyển sang 1 vụ lúa + 1 vụ cá.
 
8.  Đất xám bạc màu trên phù sa cổ (B)
          Diện tích 572,40 ha chiếm 5,98% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu ở xã Hoàn Sơn. Đặc điểm chính của loại đất này (đặc biệt ở lớp mặt) là thành phần cơ giới thô, nghèo sét, màu sắc lớp đất mặt thường có màu xám - trắng. Quá trình rửa trôi theo chiều sâu là nguyên nhân chính tạo nên tầng tích tụ sét. Loại đất này có một số ưu điểm như: khả năng thoát nước nhanh, dễ làm đất, thích hợp với nhiều cây có củ và cây ưa cơ giới nhẹ, có độ phì nhiêu thấp, cần có biện pháp cải tạo nâng cao độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt là bón phân chuồng để cải tạo kết cấu đất.
 
9. Đất vàng nhạt trên đá cát (Fp)
          Diện tích 287,09 ha chiếm 3% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Hoàn Sơn, Phật Tích, Hiên Vân và Thị trấn Lim. Đây là loại đất được hình thành tại chỗ trên những đồi núi độc lập giữa đồng bằng, đất thường có thành phần cơ giới nhẹ, tầng mỏng, lẫn nhiều đá, phản ứng chua. Nên trồng rừng phủ xanh những nơi còn trống trọc để cải thiện môi trường đất.
 
10.  Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D)
          Diện tích 126,18 ha chiếm 1,32% tổng diện tích đất tự nhiên. Khác với loại đất xám bạc màu trên phù sa cổ, đất dốc thường được bồi tụ các sản phẩm từ trên xuống, lớp đất mặt thường có màu xám thẫm, thành phần cơ giới nặng. Tuy nhiên, do quá trình canh tác lúa nước lâu đời, tình trạng ngập nước thường xuyên dẫn tới môi trường bị yếm khí, hình thành tầng đất có màu xám xanh (gley). Để đạt năng suất cao cần cải tạo đất bằng cách cày ải để cải tạo môi trường đất.
 
          * Đánh giá chung về tài nguyên đất
          + Về lý tính: Đa phần đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, có kết cấu viên hạt dung tích hấp thụ cao. Đất có ưu thế trong thâm canh lúa và trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày (đất tơi xốp, làm đất dễ, đất thoát nước tốt).
          + Về hóa tính: Tỷ lệ mùn ở mức trung bình đến khá, đạm tổng số từ khá đến giàu, lân tổng số và lân dễ tiêu nghèo, kali từ nghèo đến trung bình. Độc tố trong đất hầu như chỉ có ở đất gley bao gồm các dạng khí CH4, H2s…
B. Các loại tài nguyên khác
I.  Tài nguyên nước
 
1. Nguồn nước mặt
          Tiên Du có nguồn nước mặt tương đối dồi dào bao gồm sông Đuống, ngòi Tào Khê, kênh Nam, kênh Trịnh Xá (kênh Nam là kênh tưới chính, kênh Trịnh Xá là Kênh tiêu chính). Sông Đuống cung cấp nguồn nước mặt chủ yếu, đoạn sông Đuống chảy qua phía Nam huyện Tiên Du từ xã Tri Phương đến xã Tân Chi sau đó chảy sang huyện Gia Bình, dài khoảng 10km. Sông Đuống nối liền sông Thái Bình và sông Hồng, có tổng trữ lượng nước khoảng 36,1 tỉ m3 (gấp 3 lần tổng lượng nước của sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam). Mức nước cao nhất tại bến Hồ là 9,64m chênh từ 4 - 5m so với mặt ruộng; mức thấp nhất tại bến Hồ là 0,19m thấp hơn so với mặt ruộng từ 3 - 4m. Sông Đuống có hàm lượng phù sa nhiều, vào mùa mưa trung bình cứ 1m3 nước có khoảng 2,8kg phù sa. Lượng phù sa khá lớn này đã đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình hình thành đồng bằng phù sa màu mỡ ven sông của huyện.
          Hệ thống sông ngòi, kênh mương cùng với số lượng ao hồ hiện có tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước ngọt quanh năm cho sản xuất, sinh hoạt cũng như cải tạo đất.
 
2. Nguồn nước ngầm
          Nguồn nước ngầm tuy chưa được khảo sát tính toán cụ thể nhưng qua thực tế sử dụng của người dân trong huyện cho thấy mực nước ngầm có độ sâu trung bình từ 3 - 7m, chất lượng nước tốt, có thể khai thác phục vụ sinh hoạt và tưới cho các cây trồng tại các vườn gia đình trong mùa khô, góp phần tăng sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
 
II. Tài nguyên khoáng sản
          Tiên Du là một huyện nghèo về khoáng sản, chủ yếu chỉ có đất sét làm gạch được phân bố ở 2 xã Đại Đồng và Tân Chi. Ngoài ra còn có cát tại các xã ven sông với khối lượng ít nhưng vẫn có thể khai thác để phục vụ cho xây dựng.
 
III. Tài nguyên nhân văn
          Huyện Tiên Du là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng người Việt, là huyện có bản sắc văn hóa đa dạng, với nhiều lễ hội văn hóa khác nhau, đặc biệt vào ngày 13/01 âm lịch hàng năm lễ Hội Lim được tổ chức trên đồi Lim thuộc thị trấn Lim thu hút rất nhiều du khách thập phương về tham quan. Với tài nguyên nhân văn như trên trong quy hoạch sử dụng đất đai cần chú ý quan tâm đến tập quán, quan hệ làng xóm để bố trí đất ở, đất xây dựng các công trình công cộng sao cho phù hợp, đồng thời cũng phải dành đất cho việc nâng cấp, mở rộng các công trình văn hóa trên địa bàn huyện nhằm khai thác triệt để tiềm năng này góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện có 47 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; 6 nhà văn hóa cấp xã, thị trấn; 65/79 thôn làng có nhà văn hóa; 62 cơ quan được công nhận đạt danh hiệu công sở văn hóa. Ngoài ra trong huyện còn có một số làng nghề truyền thống lâu đời đến nay vẫn giữ vững và từng bước được mở rộng như: xây dựng ở Nội Duệ, sản xuất giấy ở Phú Lâm, chế biến lâm sản ở thị trấn Lim.
 
IV.  Cảnh quan môi trường
          Cảnh quan môi trường huyện Tiên Du mang những đặc điểm chung của vùng đồng bằng Bắc Bộ với các cánh đồng, hệ thống kênh mương, ao hồ dày đặc. Chính điều đó đã tạo nên một cảnh quan vừa trù phú vừa thơ mộng.
          Do nhu cầu bức xúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng tăng sẽ phát sinh thêm nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường. Hơn nữa trong vài năm gần đây lượng khí thải do các cơ sở sản xuất, các phương tiện giao thông thải ra chứa nhiều độc hại đều xả trực tiếp vào môi trường đã gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
          Cùng với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, qúa trình đô thị hóa trên địa bàn huyện đang diễn ra mạnh, trong thời gian tới nếu không có giải pháp cụ thể và lâu dài sẽ gây ra hậu quả xấu đối với môi trường. Luồng di dân của huyện hiện nay đang hướng vào các khu đô thị mới hình thành và sẽ tiếp tục được đẩy nhanh trong nhiều năm tới khi nhiều thị tứ, thị trấn được quy hoạch. Tình hình này sẽ tạo ra một áp lực lớn đối với vấn đề quản lý giao thông đô thị, quản lý rác thải, cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và các công trình công cộng khác. Bên cạnh đó mức độ sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu… trong sản xuất nông nghiệp vẫn đang có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
        
         * Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên
          Từ những nghiên cứu chung về điều kiện tự nhiên tài nguyên thiên nhiên trong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Tiên Du có những thuận lợi và khó khăn sau:
          * Thuận lợi:
          + Huyện nằm cách trung tâm tỉnh 5km về phía Nam đặc biệt là cách thủ đô Hà Nội 25km về phía Bắc, giao thông khá thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
          + Địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, nguồn nước phong phú, độ ẩm tương đối cao cho phép phát triển đa dạng hệ thống cây trồng đặc biệt là có thể bố trí gieo trồng nhiều vụ trong năm.
          + Với hệ thống sông ngòi, kênh mương nội đồng, ao hồ và nguồn nước ngầm phong phú đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
* Hạn chế:
          + Lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa trong năm làm úng ngập, hạn hán cục bộ vẫn còn xảy ra ở một số vùng đã gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng cũng như hiệu quả lao động đặc biệt là trong việc đảm bảo sản phẩm nông nghiệp.
          + Trong huyện còn có một số vùng trũng thấp ven đê đất bị glây hóa, bị ngập úng thường xuyên nên việc thâm canh tăng vụ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó do qúa trình canh tác thiếu khoa học dẫn đến đất bị bạc màu, khó canh tác, phần lớn diện tích đất chua, nghèo lân và kali, môi trường đất yếm khí… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
 
 
Nguyễn Trọng Hưng