Gia Bình vùng đất ngàn năm văn hiến
Bề dầy lịch sử và văn hiến của huyện Gia Bình tất cả đã được kết tinh và phản ánh ở những danh lam cổ tự, những ngôi đình, đền, chùa của các làng xã, bởi đây là những thiết chế văn hoá cộng đồng được nhiều thế hệ dày công xây đắp, gìn giữ và phát huy. Những di tích đó là những kho báu di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá, có giá trị lớn về nhiều mặt như: lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo…đặc biệt có giá trị về việc giáo dục truyền thống.
Dãy núi Thiên Thai tựa như một con rồng khổng lồ đang vươn dậy và từ lâu đời đã được các vua chúa, vương hầu, quý tộc cho xây dựng các ngôi chùa là đại danh lam nổi tiếng. Thư tịch cổ cho biết, vào thời Lý đã cho xây dựng hai ngôi chùa lớn trên núi Thiên thai là Chùa Tĩnh Lự có tên chữ là “Tĩnh Lự thiền tự” và chùa Đông Lâm trên đỉnh núi Thiên Thai. Đến thời vua Lê - chúa Trịnh, chùa Tĩnh Lự lại tiếp tục được xây dựng là một đại danh lam nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Hiện chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng chùa Tĩnh Lự còn bảo lưu được tấm bia đá có kích thước rất lớn (cao 1,72m; rộng 1,2m; dày 0,17m), tên bia “Tĩnh Lự thiền tự bi”, niên đại là “Phúc Thái vạn vạn niên chi lục trọng thu tiết cốc nhật” (1648), nội dung ca ngợi cảnh đẹp của núi Thiên Thai ( Đông Cứu) và phong thuỷ của nơi đây, đồng thời ghi lại việc phục dựng chùa Tĩnh Lự vào thời Lê - Trịnh (thế kỷ 17) với quy mô rất lớn theo lệnh của chúa Trịnh và giao Đô đốc Quận công Nguyễn Công Hiệp (người làng Đại Bái) tiến hành xây dựng.
Nổi tiếng về danh lam cổ tự còn phải kể đến Đền Cao Lỗ thuộc xã Cao Đức. Đền thờ Cao Lỗ mang tên “Cao Công” thuộc thôn Đại Trung (tên nôm Lớ) xã Cao Đức, là nơi tôn thờ tưởng niệm một danh nhân quân sự có công chế tạo “nỏ thần” đánh giặc thuở dựng nước của dân tộc ta. Ngôi đền toạ lạc trên khu đất rộng cao trên bãi bồi cửa sông Đuống, mặt hướng về Lục Đầu giang, xung quanh vườn cây, bờ bãi xanh tốt, thanh tịch. Đền được khởi dựng từ lâu đời, trải lịch sử đã được trùng tu mở rộng nhiều lần. Dấu ấn kiến trúc điêu khắc cổ của ngôi đền là của thời Lê Trung Hưng. Đền gồm nhiều hạng mục công trình như: tiền tế, đại bái, ống muống, hậu cung, hai bên là tả vu và hữu vu, sân, giếng, tam môn. Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim to khoẻ, trên các cột đều được kê bằng những chân tảng đá xanh vững chắc; trên kiến trúc được trang trí chạm khắc những con giống thiêng như rồng, nghê, phượng, sấu tinh xảo nghệ thuật. Hiện tại đền thờ còn bảo lưu được cuốn thần phả chữ Hán niên đại Tự Đức thứ 32 (1879) đã cho biết rõ hơn về lai lịch công trạng của Cao Lỗ.