Nuôi ốc nhồi mang lại thu nhập cao
Sau 3 năm khởi nghiệp bằng mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp với nuôi bò và trồng cây ăn quả, chị Nguyễn Hạnh Lê (1991) thôn Quán Tranh, xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành đã có những thu nhập ổn định.
Thực hiện khát vọng khởi nghiệp, chị Nguyễn Hạnh Lê đã từ bỏ công việc kinh doanh để thực hiện ý tưởng về xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, nhận thấy ốc nhồi dễ nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, thị trường thì được người tiêu dùng rất ưa chuộng, năm 2020, chị Lê vận động gia đình chuyển đổi 2.500 m2 đất ruộng ổn định cùng với thuê thêm 2.000 m2 đất công ích, và hơn 2.000 m2 đất ruộng của các hộ dân liền kề để xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi. Ban đầu thì cái gì cũng khó khăn, hai vợ chồng chị Lê lặn lội đến Yên Dũng Bắc Giang để học hỏi kinh nghiệm và mua con giống, tìm tòi tài liệu để tự học, rút ra những kinh nghiệm qua thực tiễn để nuôi ốc nhồi thành công là những điều mà chị Lê chia sẻ.
Với khu đất gần 7.000 m2, chị Lê cho dựng 1 khu nhà màng trên ao có diện tích gần 600 m2, 01 khu nhà màng hơn 200 m2 để làm các bể bạt trên cạn, xây dựng 200 m2 chuồng để nuôi bò, còn lại cải tạo thành 8 ao nuôi ốc nhồi, xung quanh ao đáp bờ cao để trồng cây ăn quả, với chi phí ban đầu cho mô hình cũng lên đến gần 01 tỷ đồng, chị Lê cho biết, vợ chồng trẻ vốn liếng không có là bao nhiêu nên cũng phải cố gắng rất nhiều.
Khi chưa có kinh nghiệm thì mọi thứ sẽ rất khó khăn, năm đầu nuôi ốc sản lượng cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 700 kg ốc thương phẩm, năm 2 sản lượng tăng gấp đôi và năm thứ 3 chị Lê cho biết, đã có sản lượng ốc thương phẩm đạt được 2 tấn. Với 3 năm kinh nghiệm, chị Lê đã khá thuộc những tập tính của ốc nhồi và kỹ thuật nuôi, đặc biệt là kỹ thuật nuôi ốc qua đông. Theo chị Lê, do khu vực miền Bắc trải qua mấy tháng mùa đông, nếu không kiểm soát nhiệt độ thì ốc sẽ chết, ưu điểm của nhà màng là giúp giảm tác động của sương muối, mưa rét. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, nếu đưa ốc lên bể bạt có lớp bùn nhão dưới đáy bể, thả ốc vào và phủ bên trên một lớp rơm giữ ấm cho ốc thì tỷ lệ ốc nhồi chết rét sẽ rất thấp, chị Lê cũng thử nghiệm nuôi ốc qua đông tại ao theo phương pháp truyền thống là rút gần cạn nước ao, phủ dầy bèo tây cho ốc rúc vào rễ bèo tây tránh rét, tuy nhiên nếu làm được nhà màng thì điều kiện nuôi sẽ tốt hơn.
Khi được hỏi về những kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, chị Lê vui vẻ chia sẻ, khu ao nuôi cần chia thành nhiều ao để nuôi gối lứa và dễ kiểm soát môi trường nuôi, độ sâu của ao nuôi từ 0,8 đến 1,5m, các bệnh của ốc cơ bản đều xuất phát từ nguồn nước bị ô nhiễm, quá trình cho ăn cần kiểm soát không để thức ăn dư thừa, gặp thời tiết cực đoan, nắng mưa thất thường sẽ làm nguồn nước ô nhiễm, lượng PH trong ao nuôi tăng cao, khi gặp trường hợp như vậy thì cần tạt nước vôi trong và sử dụng men vi sinh (KASplus) để tạt cho ao nuôi ốc, cần có ao để chứa nước tự nhiên sau đó mới đưa vào ao nuôi ốc nhồi. Các bệnh thường gặp khi nuôi ốc nhồi là bệnh sưng vòi, bệnh nghiêng mình, bệnh ký sinh trùng, để hạn chế được các loại bệnh trên chị Lê cho biết, người nuôi cần chú ý cho ốc ăn lượng thức ăn vừa phải không nên cho ăn quá nhiều; thức ăn sau khi ốc ăn không hết cần vớt ra, để tránh tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt giai đoạn khi ốc tầm 2 đến 3 tháng tuổi lượng thức ăn thừa và vật chất hữu cơ ngày càng nhiều tích tụ dưới đáy ao rất dễ làm ốc mắc bệnh.
Về thức ăn nuôi ốc nhồi đều có sẵn trong tự nhiên gồm hoa, quả, bèo tấm, các loại rau thân mềm… , để có nguồn thức ăn ngay tại chỗ, chị Lê cho trồng xung quang bờ ao là khoai nước, sắn, mướp, khoai lang…,ngoài ra chị Lê cũng dùng thêm bỏng gạo, bã đậu kết hợp với các loại rau xanh làm tăng chất dinh dưỡng và sức đề kháng cho ốc.
Để có được nguồn ốc giống tốt, chị Lê cho biết, ốc bố mẹ được chọn là những con to (> 30g/con), màu sắc sáng, không đóng rong rêu, tỷ lệ đực : cái là 1:1. Nếu chăm sóc tốt trong mùa đông, sang xuân ấm áp, ốc bố mẹ sẽ khỏe và đẻ nhiều, bầu trứng to nên năng suất cao hơn hẳn. Khi ốc đẻ trứng sẽ đưa vào khay nhựa, đặt khay nhựa chứa trứng trên mặt nước trong bể bạt trên cạn, mỗi ngày phun nước cho trứng một lần để giữ độ ẩm, có thể phủ khăn ẩm. Thời gian ấp khoảng 15 ngày trứng ốc sẽ nở ra ốc con, nhiệt độ thích hợp để ấp nở là 25 - 300C. Trứng ốc nhồi mới đẻ ra có màu trắng sau đó chuyển dần sang màu xám, khi trứng sắp nở trứng có màu xám đen, Hiện nay chị Lê đã tự tạo ra được nguồn ốc giống đủ tái sản xuất và cung cấp ra thị trường, chị Lê cho biết, năm 2023 chị đã xuất bán được 20 kg ốc giống trị giá 20 triệu đồng. Chị Lê cho biết, từ trứng ốc nuôi tới khi thành ốc nhồi thương phẩm chỉ mất khoảng 3 tháng, đối với miền Bắc thời gian có thể nuôi ốc nhồi ngoài tự nhiên từ tháng 3 đến tháng 11 (âm lịch) hàng năm, còn lại là thời gian nuôi ốc qua đông trong nhà màng.
(Chị Lê (người thứ 2 từ bên trái) giới thiệu về cách phân biệt trứng ốc bươu vàng và ốc nhồi)
Sau 3 năm thực hiện mô hình, hiện nay mỗi tháng chị Lê xuất bán khoảng 150-200 kg ốc thương phẩm cho các nhà hàng, các đám cưới hỏi, tiệc, với giá bán ốc thương phẩm 90.000-100.000 đồng/kg, ốc được nhiều khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng, sản phẩm luôn giữ được độ tươi ngon, chị Lê chia sẻ, nhu cầu thị trường là rất lớn với sản lượng hiện nay thì không đủ để cung cấp. Từ kinh nghiệm trong nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm, chị Lê sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân đến mua ốc giống và là cầu nối bao tiêu sản phẩm. Chị Lê có kế hoạch sẽ tiếp tục nuôi ốc nhồi gối lứa để tăng sản lượng, đặc biệt là nuôi ốc trong nhà màng để có thể cung cấp vào mùa đông.
Ngoài nuôi ốc nhồi, chị Lê thường xuyên nuôi từ 8 đến 10 con bò (giống bò 3B) đây là giống bò mới có nguồn gốc từ giống bò nhập ngoại được người chăn nuôi đón nhận bởi những đặc điểm nổi trội, khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon. chị Lê nuôi bò bằng chuồng nhốt sử dụng thức ăn là cỏ và bã đậu, chị Lê cho biết, năm 2023 chị đã xuất bán được 5 con, giá xuất bán là hơn 60 triệu đồng/con, ngoài ra phân bò được chị tận dụng để ủ và vun cho cây ăn quả, chị Lê dự kiến năm 2024 cây ăn quả gồm bưởi, soài, bơ… sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài 3 lao động chính của gia đình, chị Lê thuê thêm 2-3 lao động thời vụ. Chị Lê cho biết, sau khi trừ chi phí thu lãi năm 2023 là khoảng trên 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành cho biết, xã Nguyệt Đức hiện có tổng diện tích tự nhiên là 756,4ha, trong đó có 447,4ha là đất nông nghiệp, khu vực đất đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây ăn quả và VAC là 32,4 ha, hiện nay các mô hình trên địa bàn xã Nguyệt Đức mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp nuôi bò và trồng cây ăn quả của chị Lê thôn Quán Tranh, xã Nguyệt Đức đã mang lại hiệu quả tích cực, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, mô hình có tiềm năng phát triển và cho thu nhập ổn định. Năm 2022, khi tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh tổ chức, mô hình của chị Lê đã đạt giải ba.
Mạnh dạn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để làm giầu, tích cực tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra được chuỗi liên kết từ sản xuất đến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm sẽ là hướng đi phù hợp với phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại chuyên canh hàng hoá tập trung, sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp. Mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp nuôi bò và trồng cây ăn quả của chị Nguyễn Hạnh Lê thôn Quán Tranh, xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành đã mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường, mô hình đã khai thác tốt tiềm năng sẵn có của địa phương, mở ra hướng phát triển mang lại thu nhập cao cho người nông dân./.